Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp. Theo đó, Bộ đề xuất giá khám bệnh theo yêu cầu ở bệnh viện (BV) hạng đặc biệt, hạng 1 không quá 300.000 đồng/lần.
Thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ
Theo dự thảo, cơ sở y tế công lập quyết định việc xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu theo một trong hai phương pháp quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 25/2014/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ.
Bộ Y tế nêu, đối với dịch vụ khám bệnh, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá khám khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian khám bệnh, tư vấn và trình độ chuyên môn của người khám, tư vấn. Đối với dịch vụ ngày giường điều trị, cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá giường điều trị khác nhau theo mức độ cung cấp nhân lực chăm sóc, điều trị và điều kiện cơ sở vật chất…
Cụ thể hơn, dự thảo nêu rõ, trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ, giá tối đa đối với BV hạng đặc biệt, hạng I là 300 nghìn đồng/lần khám; các cơ sở y tế khác giá tối đa 200 nghìn đồng/lần khám. Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước (ngoài cán bộ cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước đến khám, tư vấn sức khỏe: Đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Về giá ngày giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) như sau: Tại các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ do đơn vị quyết định. Tại BV hạng đặc biệt, hạng I, có các mức từ 1,3-1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường - 3 giường - 2 giường/phòng.
Các cơ sở y tế khác tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ (trừ BV hạng đặc biệt và hạng I) với mức giá ngày giường điều trị nội trú từ 900 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/ngày. Các cơ sở y tế khác (trừ BV hạng đặc biệt, hạng I) ở các tỉnh còn lại giá ngày giường điều trị nội trú dao động từ 600 nghìn đồng tới 1,5 triệu đồng/ngày. Giá ngày giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định nhưng tối đa không quá 50% giá ngày giường điều trị nội trú.
Quản lý thống nhất giá
Hiện nay, giá phòng dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập từ 700.000 đồng đến 2,5 triệu đồng một giường mỗi ngày đêm. Như BV Bạch Mai, phòng 2 giường giá 1 triệu đồng/giường/đêm, BV Đại học Y Hà Nội phòng 1 giường giá hơn 2 triệu/đêm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, dự thảo này sẽ khắc phục được tình trạng giá khám, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá như hiện nay; quản lý thống nhất giá đối với tất cả cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên toàn quốc và phù hợp với quy định của pháp luật về giá.
Có thể thấy, với mức giá tăng đối với ngày giường điều trị nội trú, BV sẽ có thêm nguồn thu nhập trong bối cảnh rất nhiều BV công đang rơi vào tình trạng khó khăn ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt hơn là thêm nguồn thu nhập cho nhân viên y tế. PGS. TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, hơn 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, toàn bộ nguồn ngân sách của BV đã rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn; thậm chí còn không đủ đảm bảo chi thường xuyên, chi lương thưởng cho cán bộ, nhân viên của BV.
Cũng theo ông Cơ, về nhân lực, trong 2 năm qua, nhiều chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên sâu đã rời BV sang khu vực y tế tư nhân (kế cả một số cán bộ cấp cao, có học hàm, học vị và uy tín trong ngành y tế). Cụ thể, trong năm 2021, đã có hơn 200 cán bộ viên chức xin thôi việc; 9 tháng năm 2022, con số này là 105. Không chỉ riêng đội ngũ y bác sĩ, mà cả đội ngũ cán bộ khối hậu cần cũng xin nghỉ do áp lực trong công việc.