Ngày 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Bày tỏ đồng tình cao với việc ban hành dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) bày tỏ việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là rất cần thiết, vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời đảm bảo khai thác hiệu quả kho số, tăng thu cho ngân sách.
Tuy nhiên bà Chung băn khoăn về việc thí điểm trên phạm vi toàn quốc. Vì việc đăng ký cấp biển số xe thực hiện tại Công an nơi đăng ký thường trú (đối với cá nhân), hoặc nơi có trụ sở (đối với cơ quan tổ chức). Mỗi tỉnh có đầu số riêng, khi chuyển nhượng xe sang các tỉnh phải thực hiện thủ tục đăng ký chuyển vùng. Khi đăng ký chuyển vùng thì biển số sẽ bị thu hồi về hệ thống đăng ký. “Nếu giao cho công an các tỉnh triển khai về sau tổng kết việc thí điểm nếu thấy hiệu quả có thể nhân rộng ra phạm vi toàn quốc. Như vậy sẽ hợp lý hơn” - bà Chung bày tỏ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy thì băn khoăn, nếu một người ở Cà Mau lên đấu giá và gắn biển số Hà Nội nhưng lại chạy ở Cà Mau rõ ràng sẽ tạo rất nhiều phức tạp trong quản lý. Để tránh phức tạp trong quản lý, bà Thủy đề nghị biển số xe trúng đấu giá vẫn gắn với phương tiện khi mua bán, chuyển nhượng, thừa kế xe đó. Khi nào hết vòng đời xe thì biển số được thu hồi để đưa vào kho số đấu giá tiếp.
Còn đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An đặt vấn đề: Thế nào là biển số đẹp? Theo bà Sinh có những số chúng ta nghĩ là đẹp nhưng người dân chưa chắc coi là đẹp. Do đó cần coi “biển số đẹp” là số mà người muốn đấu giá coi là đẹp. Và hàng tháng, hoặc hàng quý thực hiện việc đấu giá.
Đồng tình, đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng khái niệm “số đẹp” là rất rộng và nên duy trì số tự chọn và số không tự chọn. Không tự chọn là cái chúng ta đang quy định và người dân bấm biển ngẫu nhiên. Còn số tự chọn thì phải trả phí thông qua đấu giá.
Cũng về vấn đề này, phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu vấn đề: “Tôi có một chiếc xe đã có biển số, nhưng trước đây biển số xe là bấm nút. Bây giờ tôi muốn đổi biển mà tôi mong muốn thì như vậy có được không?”. Theo ông Thanh, đây là câu hỏi nhiều người đặt ra và cần được làm rõ để sau này “dễ thực hiện”. Do đó, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung thêm vấn đề này.
Về giá khởi điểm, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số trên cơ sở xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả trường hợp đấu giá. Mức giá khởi điểm 40 triệu đồng được áp dụng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ở các địa phương còn lại, mức giá khởi điểm là 20 triệu đồng.
Ông Thanh cho rằng Nghị quyết đưa ra mức giá tối thiểu, nhưng mức giá cần đưa lên cao hơn. Mức giá tối thiểu nên ở mức 100 triệu đồng áp dụng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Còn các địa phương thì ở mức tối thiểu 50 triệu đồng.
Liên quan đến việc sử dụng nguồn thu từ đấu giá, ông Thanh cho rằng ngân sách nên đưa về địa phương và giao thẩm quyền cho địa phương quyết các mức giá khởi điểm.
Dự thảo quy định người trúng đấu giá phải có nghĩa vụ đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng. Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng, biển số đấu giá xong phải được gắn vào xe để sử dụng, vì vậy, cần nghiên cứu quy định giảm bớt thời gian kể từ ngày trúng đấu giá đến khi phải gắn vào xe là 3 tháng hoặc 6 tháng thay vì quy định 12 tháng như dự thảo nhằm tránh tình trạng "đầu cơ biển số".