Bệnh phong từng là nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Những di chứng để lại trên cơ thể người bệnh là rất nặng nề. Một số nơi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn có làng phong tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Giúp bà con nâng cao nhận thức, hiểu biết về bệnh phong; không còn cảnh kỳ thị, xa lánh.
Hiện tỉnh Gia Lai đang quản lý gần 700 bệnh nhân phong, trong đó gần 550 bệnh nhân bị tàn tật phải chăm sóc suốt đời. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện thêm 5 ca mắc bệnh mới.
Năm 2018, huyện Chư Sê có 80 bệnh nhân phong được Trung tâm Y tế huyện quản lý, điều trị, trong đó gần 70 người trong diện tàn tật. Thời gian qua, nhờ triển khai tốt chương trình phòng chống bệnh phong, huyện Chư Sê không phát sinh bệnh nhân phong mới. Hiện toàn huyện chỉ còn 10 người phải giám sát, điều trị, số còn lại đã khỏi bệnh, không còn nguy cơ lây lan.
Ông Đinh Gác, 89 tuổi, ở làng Quái, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê, cho biết: Trước đây khi bị bệnh ông phải sống cách ly gia đình, bị bà con xa lánh. Nhưng từ khi được Nhà nước quan tâm và các bác sỹ chữa trị, ông đã khỏi bệnh. Hiện nay, ông đã được về nhà, đoàn tụ cùng con cháu, được bác sỹ thăm khám, Nhà nước cấp thuốc và hỗ trợ tiền hàng tháng, nên cuộc sống ổn định, tinh thần thoải mái.
Để đẩy lùi bệnh phong trong cộng đồng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã tích cực tuyên truyền cho người dân các kiến thức về bệnh phong bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, tờ bướm, pano, áp phích, thông qua hệ thống truyền thông như phát thanh, truyền hình. Ngành thực hiện nhiều đợt khám tầm soát toàn dân, khám tiếp xúc để phát hiện bệnh nhân mới. Ngoài ra, hệ thống y tế cơ sở còn tích cực hướng dẫn bệnh nhân tự chăm sóc tại nhà và trong cộng đồng...
Những năm qua, Chương trình phòng chống bệnh phong đã được các địa phương triển khai đến từng làng, từng hộ gia đình nên không còn tình trạng lây lan bệnh. Những người không may mắc bệnh, vẫn có thể sống hòa nhập với người thân, bà con trong thôn làng, không còn bị hắt hủi, kỳ thị. Tại các làng phong, ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng, các bệnh nhân phong được bác sỹ thăm khám định kỳ, Nhà nước còn đầu tư hỗ trợ xây dựng bể nước sinh hoạt, nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón để bà con phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.
Làng Jri, xã Bờ Ngoong trước đây rất đông đúc, nhưng chỉ vì căn bệnh phong quái ác lây lan đã khiến ngôi làng này trở nên đìu hiu. Đàn ông bỏ đi, trong làng hiện chỉ còn vài chục hộ dân sinh sống, trong đó có 12 hộ toàn phụ nữ mắc bệnh phong. Bà Đing Hok, 60 tuổi, làng Jri, xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), cho biết: Những người bị bệnh phong trong làng đều là nữ sống độc thân, nương tựa vào nhau vì chồng đã bỏ đi hết. May nhờ các bác sỹ thăm khám và Nhà nước hỗ trợ tiền hàng tháng nên cũng đỡ tủi thân. Ngoài ra, hàng năm người bị bệnh phong còn được hỗ trợ giày dép, gạo ăn và giống cây trồng, phân bón…
Thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện Chư Sê thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng trực thuộc Sở Y tế tỉnh Gia Lai tầm soát ở các buôn làng nhằm chủ động phát hiện những ca mắc bệnh mới để chữa trị kịp thời. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về bệnh phong, giúp bà con nâng cao hiểu biết, tránh tình trạng kỳ thị người bệnh.
Ông Nguyễn Đức Bảy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chư Sê cho biết: Qua quá trình tuyên truyền lâu dài, bà con đã hiểu biết về bệnh phong như bệnh đã có thuốc đặc trị, khó lây, ít lây qua sinh hoạt hằng ngày. Dần dần bà con đã tự tin hơn và không còn kỳ thị, xa lánh, tạo cuộc sống hòa đồng đối với các bệnh nhân phong.