Giá lao dốc, người nuôi tôm ngậm ngùi 'treo ao'

Nguyên Du 04/08/2023 09:00

Giá tôm trên thị trường giảm mạnh gần như chạm đáy, trong khi chi phí tăng cao khiến người nuôi tôm lâm vào cảnh thua lỗ triền miên, nhiều người nuôi ngậm ngùi “treo ao”.

Giá tôm giảm sâu, nhiều người nuôi tôm ở Bạc Liêu quyết định “treo ao”.

Giá tôm tụt dốc

Tại tỉnh Bạc Liêu, thời điểm này, người nuôi tôm đứng ngồi không yên vì giá tôm giảm mạnh, nuôi tôm không có lãi, thậm chí nhiều hộ đã “treo ao, bỏ đầm” vì quá lỗ.

Theo phản ánh của bà con nông dân, chưa bao giờ giá tôm lao dốc như hiện nay, giảm sâu từ 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với 80.000 đến 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tôm sú thời điểm này năm trước loại 30 con/kg giá 300.000 đồng/kg thì hiện tại chỉ còn 110.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 70 con/kg giá 120.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 75.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí nuôi tôm, đặc biệt là nuôi tôm công nghệ cao đang tăng mạnh.

Anh Trần Văn Khoa (ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình) cho biết, anh có 7 ao nuôi tôm sú công nghiệp với diện tích 2ha nhưng liên tiếp nhiều vụ liền bị thua lỗ nên đành phải “treo ao”.

“Chi phí thức ăn khoảng 150 triệu đồng, cộng các chi phí thuốc men lên đến hơn 200 triệu đồng, trong khi giá tôm nguyên liệu giảm nghiêm trọng. Càng nuôi càng lỗ nên tôi đành phải treo ao” - anh Khoa nói và cho biết, từ đầu năm tới giờ, anh đã nợ đại lý trên 400 triệu đồng mà không có khả năng trả vì thu không đủ bù tiền thức ăn. Chỉ tay về phía những ao tôm được đầu tư với số tiền hàng chục triệu đồng, máy móc thiết bị ngổn ngang, anh Khoa nói: “Những đầm tôm mang theo cả kỳ vọng của vợ chồng tôi giờ tan thành bọt nước. Thua lỗ triền miên khiến gia đình tôi lâm cảnh nợ nần…”.

Không riêng gia đình anh Khoa, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình cũng lâm tình cảnh tương tự. Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Thành Công Mới ở ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hoà Bình với hơn 30 thành viên từng giúp nhiều tổ viên phát triển kinh tế vươn lên khá giả, thế nhưng thời điểm này, nhiều người thua lỗ phải tìm kế sinh nhai khác. Anh Nguyễn Văn Lập - Tổ trưởng Tổ hợp tác Thành Công Mới chia sẻ, hơn 30 thành viên tổ hợp tác giờ có đến hơn 10 người “treo ao”, người thì bán đất trả nợ, người phải đi xa kiếm việc làm thuê.

“Giá tôm xuống thấp quá. Nhiều hộ nuôi tôm sau khi thu hoạch vẫn e dè, không dám đầu tư vụ mới, một số hộ giảm mật độ thả nuôi, giảm số lượng ao. Thua lỗ quá nên 8 ao tôm giờ tôi chỉ dám thả 2 ao để cầm cự hy vọng giá tôm phục hồi” - anh Lập than thở.

Tính toán lại vùng nuôi, tránh mạnh ai nấy làm

Với nhiều nông dân nuôi tôm tại tỉnh Bạc Liêu hiện nay, việc sản xuất đang chịu nhiều áp lực. Dịch bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm, chi phí sản xuất tăng… khiến cho bà con không còn mặn mà với con tôm.

Bà Nguyễn Thị Diệu, chủ hộ nuôi tôm lâu năm ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình cho biết, chưa bao giờ nuôi tôm lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay, 10 người nuôi có đến 9 người lỗ. Nuôi nhiều lỗ nhiều, nuôi ít lỗ ít vì chi phí giá thức ăn quá cao.

Theo ông Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoà Bình, tổng diện tích thả nuôi tôm toàn huyện trên 14.430ha tập trung vào các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, công nghiệp, thâm canh, bán thâm canh. Trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh hơn 1.250ha với 249 hộ dân và 4 công ty.

“Xuất khẩu tôm gặp khó, giá tôm lao dốc trong nhiều tháng qua, vì vậy bà con nuôi tôm đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hiện có khoảng hơn 2% số hộ nuôi tôm treo ao” - ông Xuyên thông tin.

Nhiều thương lái cho biết, giá tôm nguyên liệu ở một số nước, trong đó có Ecuador, Indonesia đang rất thấp, thậm chí có lúc chỉ bằng 1/2 giá ở Việt Nam nên một số nước quay sang nhập tôm của Ecuador. Ngoài ra, do suy thoái toàn cầu làm người tiêu dùng Mỹ, châu Âu thắt chặt hầu bao, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp xuất khẩu còn lớn... dẫn đến giá tôm chạm đáy.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh có tổng diện tích nuôi tôm hơn 141.200ha.

Mặc dù năm nay thời tiết khá thuận lợi, người nuôi tôm được mùa nhưng đầu ra lại gặp khó, các nhà máy chế biến tôm xuất gặp khó khăn do các đơn đặt hàng từ các nước Châu Âu bị chững lại. “Chúng tôi khuyến cáo người nuôi tôm nuôi thưa, rải vụ để biết nhà máy đặt hàng theo kích cỡ, hơn nữa phải tăng cường tham gia vào các tổ hợp tác, HTX kiểu mới để mua chung, bán chung mới có thể vững chân được trên thị trường. Hiện nay tình hình giá cả thị trường đang là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, người nuôi tôm tổ chức lại sản xuất mới có thể cạnh tranh với thị trường thế giới” - ông Ly nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá lao dốc, người nuôi tôm ngậm ngùi 'treo ao'