Giá lợn hơi hiện đã chạm mốc 71.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất kể từ tháng 8/2022 đến nay. Dù vậy, theo khuyến cáo của giới chuyên gia, người chăn nuôi cần thận trọng trong tái đàn vì nguy cơ dịch bệnh vẫn đang rình rập.
Cung không đủ cầu
Ngày 13/6, giá lợn hơi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg tại Bắc Giang và Hà Nam, lên chung mức 70.000 đồng/kg; ngoại trừ Thái Bình giao dịch lợn hơi ở mức cao nhất 71.000 đồng/kg, tại các tỉnh thành khác trong khu vực tiếp tục được thu mua với giá không đổi. Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg.
Như vậy sau một thời gian dài trầm lắng, giá lợn hơi đang tăng mạnh, hiện đã chạm mốc 71.000 đồng/kg, là mức giá cao nhất kể từ tháng 8/2022 đến nay. Tuy nhiên theo các chuyên gia, giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới, bởi khi giá lợn hơi đạt 70.000 - 72.000 đồng/kg, khả năng sẽ có lượng thịt lợn đáng kể nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) đang tích cực tái đàn, dự kiến cuối năm sẽ bổ sung vào nguồn cung. Các chủ trang trại dự báo, giá lợn hơi tăng có thể kéo dài đến tháng 8, 9/2024; từ tháng 10 đến Tết Nguyên đán 2025, nguồn cung sẽ được bổ sung từ việc tái đàn của các trang trại. Thời điểm này, các DN chăn nuôi đang tích cực bổ sung lợn giống, lợn nái để tái đàn. Vì thế, thị trường lợn hơi sẽ khó tăng đột biến thêm nữa.
Lý giải nguyên nhân giá lợn hơi tăng mạnh thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng do cung không đủ cầu. Thông thường giá lợn hơi sẽ giảm vào mùa hè, bởi khi thời tiết nóng, người tiêu dùng ăn thịt ít hơn, vì thế đây được xem là giai đoạn tiêu thụ thấp điểm. Tuy nhiên, năm nay thị trường thịt lợn hơi diễn biến trái quy luật. Đà tăng giá lợn hơi xuất phát từ việc nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi và kiểm soát tốt lợn nhập lậu, đồng thời một phần do tâm lý trên thị trường. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại nhiều địa phương, khiến nhiều hộ chăn nuôi, trang trại heo giảm số lượng đàn nuôi. Mặt khác, năm 2023 giá lợn hơi liên tục ở mức thấp trong thời gian dài, người chăn nuôi thua lỗ nên đã giảm số lượng lợn nuôi. Điều này dẫn đến sản lượng xuất chuồng hiện nay giảm nhiều, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu.
Chú trọng phòng, chống dịch bệnh
Là 1 trong 2 hộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được lựa chọn triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, chăn nuôi và trồng trọt kết hợp thủy sản thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, bà Phạm Thị Hảo (thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc) cho biết: Gia đình đầu tư xây dựng, phát triển mô hình VAC để nuôi lợn, cá và trồng bưởi từ năm 2015; trong đó, riêng lợn duy trì nuôi từ 200 - 300 con. Tuy nhiên, do chi phí chăn nuôi lớn, giá lợn bấp bênh, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, từ năm 2021 đến nay, triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, gia đình bà chỉ duy trì nuôi khoảng 10 con lợn nái, từ 50 - 100 lợn thịt; mỗi tháng cho xuất chuồng từ 15 - 20 con lợn thịt, với giá bao tiêu đã ký là 65.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
“Hiện trong chuồng nuôi có 30 con lợn thịt đến kỳ xuất bán. Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng như các hộ xung quanh chưa dám tái đàn mạnh, bởi giá lợn giống khá cao, khoảng 2 triệu đồng/con. Hơn nữa, khi lợn hơi tăng giá, các thương lái sẽ di chuyển đi thu mua, gom lợn từ nhiều địa phương khác nhau khiến dịch bệnh rất dễ lây lan. Bởi vậy, thời điểm này tôi vừa chăn nuôi, vừa nghe ngóng tình hình dịch bệnh, dự định trong tháng 6/2024, tôi chỉ tái đàn từ 30 - 50 con, giảm một nửa so với các năm trước” - bà Hảo chia sẻ.
Cũng giống như bà Hảo, bà Nguyễn Thị Loan (xã Chung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) vừa xuất bán 50 con lợn với giá 71.000 đồng/kg nhưng cũng không dám tái đàn. Theo bà Loan, đây là thời điểm lợn hơi được giá nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên sau khi xuất bán, bà cũng chỉ tái đàn trong khoảng 30 - 50 con. Lý do, theo bà Loan dù trang trại có sức nuôi tối đa 200 con nhưng giờ tái đàn hết công suất sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong thời gian tới, dự báo giá thịt lợn có thể tiếp tục đứng ở mức cao do các hộ chăn nuôi chưa tái đàn nhiều, phía DN cũng cần thận trọng khi tăng tổng đàn lợn trong thời gian tới. Bởi, việc giá lợn hơi tăng rất dễ dẫn đến tâm lý nhiều người chăn nuôi giữ lại lợn đến tuổi xuất chuồng chờ giá cao hơn, gây ra khủng hoảng. “Để tránh mất thế cân bằng trong chăn nuôi, DN và người chăn nuôi cần thận trọng trong tái đàn và xuất bán lợn bình thường” - ông Dương khuyến nghị.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi xem xét, lựa chọn tái đàn, người chăn nuôi, DN cũng cần cân nhắc, chủ động theo dõi tín hiệu từ thị trường, đồng thời, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Đối với các trại đã bị dịch tả lợn châu Phi, cần lưu ý công tác tiêu độc khử trùng chuồng trại kỹ lưỡng để tránh những rủi ro về dịch bệnh sẽ tái phát sau khi tái đàn. Người nuôi cần tiến hành quét dọn và thu gom toàn bộ rác, chất thải chăn nuôi, chất độn chuồng để tiêu hủy bằng cách đốt. Các loại thức ăn, thực phẩm, thanh chắn gỗ, giàn mát... ở trong trại xảy ra dịch bệnh cũng phải tiêu hủy.