Kinh tế

Giá lợn hơi nhích lên từng ngày

Khanh Lê 20/01/2024 08:09

Những ngày này, giá thịt lợn hơi trong cả nước đã nhích tăng từ 1.000 đồng - 3.000 đồng/kg tùy địa phương. Đà tăng này tuy không nhiều nhưng cho thấy tín hiệu tích cực đối với các hộ chăn nuôi lợn.

anhbaitren.jpeg
Giá lợi hơi tăng, người chăn nuôi phấn khởi. Ảnh A.P.

Tín hiệu vui

Ghi nhận tại khu vực phía Bắc, giá lợn hơi tăng rải rác và dao động trong khoảng 56.000 - 58.000 đồng/kg. Sau khi tăng 1.000 đồng/kg, Phú Thọ và Vĩnh Phúc có giá thu mua lợn hơi là 57.000 đồng/kg. Hà Nội có giá lợn hơi cao nhất khu vực với 58.000 đồng/kg. Ngược lại, mức giá thấp nhất khu vực là 56.000 đồng/kg được ghi nhận tại Lào Cai và Nam Định.

Tương tự giá lợn hơi khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng nhẹ, nhích lên 1.000 đồng/kg, thu mua trong khoảng 50.000 - 56.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam ở mức 52.000 đồng/kg, còn tại Khánh Hòa lên mức 51.000 đồng/kg.

Với giá thịt lợn hơi như trên, đa số người chăn nuôi cho biết, vẫn chưa thể có lãi nếu phải mua con giống cũng như thức ăn. Thời điểm này mọi năm, trang trại nuôi lợn nhà anh Vũ Quyết Thắng, Thạch Thất ( Hà Nội) có chừng hơn 100 con tuy nhiên năm nay anh chỉ dám nuôi 40 con. Để tiết kiệm chi phí anh trộn thức ăn cùng với rau và thức ăn thừa. “Với cách làm này lợn lớn chậm, bản thân người nuôi rất vất vả nhưng thời buổi khó khăn nên phải tìm cách mà làm thôi” - anh Thắng chia sẻ.

Hiện mức giá lợn hơi bình quân cả nước đạt 52.800 đồng/kg, cao hơn Trung Quốc đến 4.000 đồng/kg. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, từ nay đến quý II/2024, lượng thịt lợn trong nước đủ cung nội địa, không phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tình hình dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp, người chăn nuôi cần thận trọng. Không nên thả lợn đầy chuồng/hệ thống, dành nhiều chuồng/trại để có thể giãn đàn, cách ly và xử lý/tiêu hủy nhanh những cá thể nhiễm bệnh đầu tiên và những cá thể liên đới, có nguy cơ/nghi ngờ nhiễm bệnh cao.

Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Kim Đăng cho biết, đến thời điểm này, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. Với tỷ lệ đàn lợn hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Cũng theo ông Đăng, từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, thời tiết diễn biến thất thường, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn là rất lớn. Để ổn định nguồn cung thịt lợn, Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi, nhất là tại các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao.

Cảnh báo lợn nhập lậu

Trong năm 2023, giá lợn hơi chịu áp lực giảm, một phần chủ yếu do dịch tả châu Phi diễn biến phức tạp, khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bán tháo nhằm chạy dịch, tạo ra sức ép lên nguồn cung trong khi nhu cầu vẫn yếu. Dự báo về thị trường năm 2024 trong báo cáo mới đây, VNDirect Research kỳ vọng sẽ tăng 5% so với mức nền thấp của năm 2023, đạt trung bình 56.400 đồng/kg nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt heo tăng thêm 5% trong khi nguồn cung trong nước duy trì ổn định.

Bên cạnh tín hiệu tích cực từ thị trường, người chăn nuôi lợn cũng như các doanh nghiệp vẫn không khỏi lo lắng trước thực trạng nhập lậu thịt lợn có xu hướng gia tăng. Theo một số đầu mối, những ngày gần đây, giá lợn hơi tại Việt Nam tăng nhanh, nguồn thịt lợn từ Campuchia, Thái Lan bắt đầu xuất hiện nhiều. Dù cơ quan chức năng tại các tỉnh Tây Nam bộ tăng cường giám sát các tuyến biên giới, nhiều vụ bắt lợn nhập lậu nhưng nguồn lợn này vẫn được nhập vào...

Trước thực tế này, ngày 18/1, Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT kiến nghị về tình trạng lợn nhập lậu vẫn phức tạp.

Công văn cho biết, bằng nhiều nguồn tin mà hiệp hội nắm được, do đang vào thời điểm cận Tết, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng nên tình trạng lợn nhập lậu tiếp tục tăng đột biến. Cụ thể, trong các tuần từ ngày 1/1 đến 15/1, trung bình mỗi đêm có khoảng 6.000-7.000 con lợn từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và biên giới Tây Nam.

Theo tính toán, số lượng lợn nhập lậu đang chiếm khoảng 30% sản lượng chăn nuôi trong nước bán ra mỗi ngày. Trong khi đó hiện nay giá lợn hơi chỉ trên dưới 50.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ vì phải bán dưới giá thành sản xuất.

Hiệp hội cũng cho rằng, lợn nhập lậu tràn lan làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tương lai, đàn lợn nội địa sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng gây thiếu hụt nguồn cung trong nước. Do đó, hiệp hội này kiến nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng lập các đoàn công tác kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép lợn vào Việt Nam trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, gian lận thương mại, cũng như hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn heo buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá lợn hơi nhích lên từng ngày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO