Vấn đề về “sạn” trong sách giáo khoa (SGK), giá SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn là tâm điểm của dư luận trong năm 2022. Làm sao để không tái diễn tình trạng này ở những bộ sách tiếp theo?
Hàng loạt những sai phạm, nhiều điểm bất thường của quá trình in, phát hành và đăng ký giá bán SGK đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2014 đến hết năm 2018.
Bất hợp lý giá sách giáo khoa cao
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất được kết luận nêu là nhà xuất bản (NXB) đã “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật cạnh tranh”. Cụ thể, kết quả kiểm tra, xác minh tại NXB Giáo dục Việt Nam cho thấy giai đoạn 2014-2018, quá trình xây dựng giá gói thầu in SGK, hạch toán có sai sót dẫn đến người dân phải mua sách bằng với giá đã đăng ký từ năm 2011 được ấn định trên bìa sách. Mức giá mà người dân phải mua xác định cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá với số tiền khoảng hơn 85 tỷ đồng.
Trong khi đó, “việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in, nhà thầu in, phát hành, kinh doanh SGK còn một số thiếu sót, vi phạm dẫn đến giá SGK đã được NXB đăng ký từ năm 2011 cao bất hợp lý”, kết luận nêu.
Thanh tra còn phát hiện cơ quan này đã phân bổ chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp vào giá thành SGK. Phân bổ chi phí chung không đúng tỷ lệ doanh thu, làm tăng chi phí chung được phân bổ cho SGK cao hơn gần 70 tỷ đồng. Việc trên dẫn đến các gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá NXB đã đăng ký từ năm 2011, cao hơn giá phải đăng ký đúng là gần 70 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết luận thanh tra cũng chỉ ra đơn vị này còn sử dụng giấy in định lượng thấp, thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo tiêu chuẩn quốc gia. Đặc biệt, việc phát hành SGK qua các kênh phát hành đến tay người tiêu dùng qua nhiều bước trung gian “nên chưa tiết kiệm được chi phí”. Tỷ lệ chiết khấu của SGK là 25% là cao, chưa hợp lý so với một số mặt hàng độc quyền, thiết yếu khác.
Làm rõ sai phạm để làm gương
Hàng loạt những sai phạm trong việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, cơ quan thanh tra kiến nghị NXB Giáo dục Việt Nam phải nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền phụ huynh học sinh đã mua SGK cao hơn giá phải đăng ký đúng.
Dẫu vậy, việc phụ huynh học sinh cả nước đã phải mua SGK với giá cao bất hợp lý đã diễn ra trong nhiều năm là điều gây bức xúc với nhiều bậc phụ huynh. Anh Lâm Mạnh Cường có con đang học lớp 3 và lớp 9 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, SGK là mặt hàng thiết yếu, hầu như gia đình nào cũng có con, cháu đang theo học ở một cấp học nào đó nhưng lại tồn tại hàng loạt vấn đề bức xúc như thanh tra chỉ ra là một điều đáng suy ngẫm.
“Bây giờ phụ huynh ít phải quan tâm đến việc mua SGK, thậm chí sách tham khảo, vở viết vì nhà trường đã làm thay hết rồi. Cuối năm, nhận phiếu đăng ký mua sách và nộp tiền, cũng không biết sẽ gồm những sách gì, giá bao nhiêu, có sách bài tập tham khảo hay không, cứ ôm về một tập và bỏ đó đến đầu năm học thì mang ra bọc, dán nhãn” - anh Cường nói và cho rằng mỗi trường thu tiền mua SGK khác nhau, một số đầu sách cũng khác nhau, chỉ giống nhau ở việc thu đúng… giá bìa, không thiếu một đồng nào trong khi tất cả các loại sách khác trên thị trường đều có chiết khấu tùy cửa hàng, tùy loại sách, có cuốn tới 30% giá bìa.
Từ góc độ của một chuyên gia giáo dục và cũng là một nhà làm sách, có kinh nghiệm trong công tác biên tập, xuất bản sách, ThS Nguyễn Quốc Vương đặt câu hỏi: “Thông thường sách khi bán ngoài thị trường người tiêu dùng được hưởng chiết khấu phần trăm nhưng SGK và kể cả sách tham khảo, sách bài tập bán kèm SGK đều được phụ huynh mua theo giá bìa. Nó đặt ra một vấn đề mang tính kỹ thuật, đó là phần trăm chiết khấu từ nhà cung cấp đầu tiên đến học sinh đã đi đâu?”.
Câu trả lời này đã được Thanh tra Chính phủ nêu ra tại thông báo kết luận. Cụ thể, bốn Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục (miền Bắc, Trung, Nam, Cửu Long) là đại lý cấp 1 của nhà xuất bản được hưởng 5%; các công ty sách và thiết bị trường học địa phương trong khu vực là đại lý cấp 2, được hưởng từ 7-8%; các đại lý, cửa hàng sách, các trường học là đại lý cấp 3, được hưởng từ 12-13%.
Từng nhiều lần kiến nghị về việc chiết khấu SGK đi đâu, GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, vấn đề tiếp theo đây là việc xử lý vi phạm ra sao. Các bộ SGK đang có trên thị trường và các bộ SGK sắp được phê duyệt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có được tính đúng, tính đủ về giá bán? Việc thanh kiểm tra quá trình in ấn, biên soạn… SGK cần được thực hiện sớm, không chờ đến khi người dân mua sách giá cao xong vài năm sau mới có kết luận. Nhất là chủ trương mua SGK đưa vào trong nhà trường để học sinh mượn đang được Bộ Giáo dục và đào tạo đề xuất cần xem xét kỹ ở mọi khía cạnh, bao gồm mua sách nào khi đang có nhiều bộ sách trên thị trường, đối tượng mượn sách gồm những ai…
Theo GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, trong bối cảnh đại đa số người dân khó khăn sau dịch Covid-19, tôi cho rằng giá các bộ SGK cần hợp lý. Muốn vậy, cần xóa bỏ độc quyền SGK thì mới có cạnh tranh.