Suốt 50 năm cầm máy “lưu giữ dáng hình đất nước”, từ thời chiến đến thời bình, Đại tá Trần Hồng đã có cho mình gia tài nhiều người mơ ước.
Căn phòng làm việc của Đại tá Trần Hồng chỉ chừng 20 mét vuông trên gác hai khu tập thể cũ thuộc báo Quân đội nhân dân. Đây cũng là căn phòng duy nhất trong tòa nhà không cho thuê và có cựu phóng viên duy nhất ở lại cùng gia tài nhiếp ảnh. Căn phòng ngập tràn ảnh và sách, vừa vặn kê một bộ bàn ghế mây. Chiếc ghế dài bên trong khó mà nhận ra được bởi đã bị bao phủ đầy ảnh và sách. Hầu hết là các bức ảnh chiến trường, ảnh chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng và ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khối “tài sản” đồ sộ ấy mới chỉ là phần thấy được bằng mắt. Số còn lại là kỷ niệm sống mãi trong tâm niệm người chiến sĩ nhân dân, phải cảm nhận bằng tấm lòng mới khiến người ta đắm say và thêm yêu những bức ảnh.
Vạn dặm “tôi luyện”
Vào chiến trường được một năm, năm 1969, Trần Hồng được điều động từ Trường Sơn ra Bắc vào Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) để học khóa Báo chí đầu tiên. Tốt nghiệp, ông bắt đầu sự nghiệp phóng viên chiến trường.
Lần tác nghiệp đầu tiên ở nhà tù Tuol Sleng của tộc người Polpot là một ký ức ám ảnh với ông: “Đến giờ tôi không dám nghĩ lại, nhưng lúc đấy vẫn phải nhảy vào chụp”. Xứng đáng thay đó là bộ ảnh duy nhất kịp ghi lại thời khắc này, bởi ngay sau đó quân giải phóng của ta đã dọn dẹp hiện trường.
Đoàn 15 người NHK Nhật Bản tới sau 15 phút phải ra về tay trắng dù đi 1.500km chỉ để chụp bộ ảnh, họ tiếc ngây người. Bộ ảnh sau này được chọn ra 25 tấm mang tên “Tố cáo tội ác của bọn diệt chủng Khmer” gửi đến Liên hợp quốc. Đó cũng là bộ ảnh ông thấy tuyệt nhất khi đó.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng cũng có giây phút trọn vẹn niềm vui như câu chuyện chụp các bức ảnh ở mặt trận Lạng Sơn. Chỉ trong vòng 3 ngày, các bức ảnh đó đã xuất hiện trên khắp mặt báo. Ông hóm hỉnh kể rằng: “Nhờ có nó mà tôi được đi báo cáo kinh nghiệm ở một số tờ báo. Thế là bỏ mất 3 tuần không được đi tiếp!”.
Mặt trận khói lửa tôi luyện ông với nhiều “ngón nghề” đặc biệt. Ở mặt trận Tây Nam, những bức ảnh được tráng phim chỉ với 1 chiếc đèn pin, 1 miếng lá chuối non cắt tròn ốp lên kính, rồi tìm người về Hà Nội để gửi. Những tấm ảnh gửi về có thể chậm, nhưng chưa bao giờ mất. “Tôi rất biết ơn những người vận chuyển, vì họ yêu và tin báo Quân đội nhân dân nên phóng viên chúng tôi được thơm lây. Khi thấy ảnh được đăng lên báo, tìm lại được cái người đấy thì quý lắm, phải ôm chầm lấy nhau. Sướng lắm.”
Đến nay, rất nhiều tấm phim âm bản được ông giữ lại. Hai ngăn dưới của tủ sách cạnh bàn trà, ông chế thành tủ sấy khóa cẩn thận. Một hộp bánh quy bằng sắt đầy ắp những gói giấy trắng đựng từng miếng phim. Người nghệ sĩ nhiếp ảnh thật biết cách làm người ta no nê con mắt! Ông vừa dốc lấy phim ra tay vừa bật cười nhận đây là phong cách tẩn mẩn của người già. Khi giơ bất kỳ tấm ảnh nào lên soi qua ánh sáng từ ban công nhỏ, ông chỉ mất 1-2 giây để nhận ra đó là bức ảnh nào, chụp ở đâu. Phải yêu những khoảnh khắc ấy nhường nào mới thân thuộc được đến thế.
Cơ duyên chụp Mẹ Việt Nam anh hùng
Mẹ Việt Nam anh hùng là đề tài Trần Hồng đã theo đuổi từ lúc bắt đầu nghiệp nhiếp ảnh đến nay và có 4 cuộc triển lãm. Cơ duyên bắt đầu từ chuyến về phép với mẹ 15 ngày. Khi đó ông đã là sĩ quan quân đội.
Một lần được mẹ gội đầu, ông thấy ánh mắt mẹ như lấp lánh lên ánh sáng lạ. Nhìn ra đấy là niềm vui của bất kỳ bà mẹ nào khi được chăm sóc cho con từ việc nhỏ nhất, ông chợt nghĩ: Niềm vui nhỏ nhoi đấy thôi mà nhiều mẹ Việt Nam ta không còn có được niềm vui ấy nữa, vì các con mẹ đã ra trận và mãi mãi không trở về.
Tốt nghiệp, ông về làm việc tại báo Quân đội nhân dân, tranh thủ thời gian hoàn thành xong nhiệm vụ để thực hiện bộ ảnh “Chân dung mẹ”. Khi xa cách người mẹ ở quê nhà, đó như là sự khuây khỏa nỗi nhớ đối với ông.
Có một bà mẹ ở Bắc Giang đến giờ ông còn nhớ như in: “Đội chiếc nón rách, một mình liêu xiêu giữa cánh đồng”. Xin chụp không thành, ông thuyết phục mẹ: “Con xa quê ở tận trong Hà Tĩnh, được gặp và chụp ảnh bà là con như vơi đi nỗi nhớ mẹ”. Bà mẹ thoáng ngập ngừng nhưng rồi mẹ xua tay chỉ ông về phía Lễ tuyên dương bà mẹ Việt Nam anh hùng. “Chú vào mà chụp các bà ấy, còn tôi và hàng trăm bà mẹ ở Hà Bắc này chỉ có 1 con là liệt sĩ và không được phong là Mẹ Việt Nam anh hùng”. Trước khi đi, mẹ quay lại nói một câu khiến ông đau đáu mãi: “Chú ơi, nhưng mẹ nào lại muốn con mình chết nhiều để được làm anh hùng.”
Một tháng sau, nhân cơ hội được gặp Chủ tịch nước Lê Đức Anh, ông xin thưa ngay điều còn bất cập: Không nên so sánh mẹ nào có nhiều con hy sinh hơn khi phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Chủ tịch nước đã chia sẻ với ý kiến của ông.
Đến nay, khi người ta thấy một Trần Hồng với mái đầu như cước bạc dưới ven nắng, ông vẫn nói về tình yêu không nghỉ với hành trình chụp “Chân dung Mẹ”.
Ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngay từ những ngày còn cầm máy ở chiến trường, Trần Hồng đã mơ có một ngày được chụp ảnh chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vậy mà mãi tới năm 1992, ông mới may mắn được gặp Đại tướng. Đó là trong cuộc triển lãm ảnh tại Hà Nội và Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành thời gian tới dự.
Đại tướng xem rất kỹ những bức ảnh về chiến tranh của Trần Hồng và ngồi xuống cuốn sổ lưu niệm viết thủ bút rằng: “Những tấm ảnh, những bức tranh như thơ, như nhạc. Qua hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, nỗi đau thương và niềm vui qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi. Chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ - chiến sĩ có những tác phẩm lớn”.
Đọc những dòng chữ do Đại tướng viết, Trần Hồng vô cùng xúc động như không tin vào mắt mình. Ông cứ nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với trăm công nghìn việc, vậy mà người vẫn dành khoảng thời gian quý giá để xem các cuộc triển lãm ảnh về chiến tranh, xem rất kỹ và có những dòng thủ bút vừa bình dị vừa sâu sắc còn rất có con mắt nghệ thuật phê bình.
Với tấm lòng quý trọng và biết ơn sâu sắc vị Đại tướng của nhân dân, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã xin gặp và thực hiện những bức ảnh với tất cả những cảm xúc thăng hoa nhất, chân thật nhất về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những bức ảnh của Trần Hồng dung dị chất đời thường mà vẫn toát lên thần thái vừa uy nghiêm vừa minh triết về vị tướng của nhân dân. Từ phóng sự “Một ngày với Đại tướng”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã có một “gia tài” gần 2.000 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Giờ đây, mỗi lần nhắc lại hành trình 50 năm với nghề báo và nghiệp riêng, mắt ông sáng long lanh như ống kính mắt cá của chiếc máy phim ông trân quý. Chiếc Canon dây đeo đã sờn nhưng vỏ máy còn “bền” lắm, như cái tâm người nhiếp ảnh kính nghiệp. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng - người phóng viên chiến trường đã đi qua biết bao đạn bom, thử thách, những chuyển động lớn lao của thời cuộc, niềm tin và hạnh phúc của nhân dân cũng chính là hoàn thành giấc mơ nghệ sĩ - chiến sĩ của mình.