Sức khỏe

Gia tăng bệnh nhân sa sút trí tuệ

THANH GIANG 17/09/2024 07:53

Các chuyên gia nhận định, tại Việt Nam số lượng người dân mắc bệnh sa sút trí tuệ tăng cao nhưng tỷ lệ khám và điều trị lại rất thấp. Cần nâng cao ý thức phòng bệnh và điều trị triệu chứng suy giảm trí tuệ để hỗ trợ phục hồi nhận thức.

bai chinh
Khám và tư vấn cho người bị suy giảm nhận thức.

Nhiều người bị sa sút trí tuệ sớm

TS.BS Trần Công Thắng - Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer Việt Nam cho hay, bệnh sa sút trí tuệ ngày càng gia tăng. Giới chuyên gia cho rằng, theo đánh giá của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Điều quan trọng là già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ.

Đại tá Dương Thị Thu Hằng – Giám đốc Bệnh viện 30 - 4 cho biết, nước ta có tốc độ già hóa dân số cao, người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội già hóa sang xã hội già. Tại Việt Nam có khoảng 5% người cao tuổi (trên 60 tuổi) bị sa sút trí tuệ, trong đó tỉ lệ người cao tuổi ở TPHCM chiếm tỷ lệ cao khoảng 12,05%. Hiện số người bị sa sút trí tuệ tại thành phố lên tới hơn 100.000 người.

“Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chứng sa sút trí tuệ, đây là nhóm bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh và cả người chăm sóc” - bà Dương Thị Thu Hằng nói.

Theo BS Trần Công Thắng, bệnh sa sút trí tuệ là bệnh thoái hóa thần kinh diễn tiến nặng dần, gây suy giảm trí nhớ, chức năng nhận thức và rối loạn hành vi. Một số nghiên cứu trong nước cho thấy, tỷ lệ người khởi phát bệnh Alzheimer sớm khá cao (trước 65 tuổi). Những người dễ mắc chứng bệnh sa sút trí tuệ như: Người lớn tuổi, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, stress mất ngủ, lo âu... Ngoài ra, sa sút trí tuệ khởi phát sớm là do stress, căng thẳng kéo dài sẽ thúc đẩy hình thành sản phẩm thoái hóa tổn thương não. Đặc biệt, ghi nhận nhiều người trẻ đã rơi vào suy giảm nhận thức.

Bà Nguyễn Thị Hoa (phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) cho hay: Tôi mới hơn 40 tuổi nhưng đã có dấu hiệu làm trước quên sau, nhiều lúc không nhớ gì như người già. Trước kia tôi cứ nghĩ chắc do mới sinh con xong nên bị ảnh hưởng, tuy nhiên khi đi khám bệnh thì bác sĩ chẩn đoán bị suy giảm nhận thức.

Rất ít bệnh nhân khám và điều trị

Mặc dù, số lượng người dân mắc bệnh sa sút trí tuệ tăng cao nhưng tỷ lệ khám và điều trị lại rất thấp. Bà Dương Thị Thu Hằng thông tin, năm 2020 Việt Nam có 500.00 trường hợp bị Alzheimer nhưng chỉ có 5.000 người được chuẩn đoán và điều trị, tương đương 1%. Hiện cả nước chỉ có 10 đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ. Trong đó, đơn vị trí nhớ và sa sút trí tuệ của Bệnh viện 30 - 4 là cơ sở y tế đầu tiên ở phía Nam triển khai điều trị bệnh Alzheimer. Tại đây có thể chẩn đoán và điều trị thuốc, trị liệu không dùng thuốc; triển khai các khóa hỗ trợ người chăm sóc; cơ sở thực hành, nghiên cứu khoa học về sa sút trí tuệ.

PGS.TS Vũ Anh Nhị - nguyên Chủ tịch Hội bệnh Alzheimer Việt Nam chia sẻ, Alzheimer là bệnh hiểm ác đối với người già vì làm người bệnh mất đi chất lượng sống. Ngoài ra, tỷ lệ sa sút trí tuệ tại Việt Nam là vấn đề lớn nhưng nhận thức về bệnh này cũng còn hạn chế. Đây chính là lý do mà người bị bệnh Alzheimer đến khám và được chẩn đoán tại các cơ sở y tế thường không phải là giai đoạn sớm của bệnh. Bệnh Alzheimer không thể điều trị hoàn toàn mà chỉ có thể là cải thiện.

“Điều trị sa sút trí tuệ hiện nay tập trung vào phòng bệnh, điều trị triệu chứng suy giảm nhận thức hỗ trợ phục hồi nhận thức. Để phòng bệnh này cần điều trị hiệu quả các yếu tố nguy cơ bệnh lý mạch máu não, bỏ thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn ít béo nhiều rau củ...” - BS Trần Công Thắng nhấn mạnh.

Ngoài việc tập trung vào người bệnh, ngành y tế khuyến cáo cần đặc biệt quan tâm tới những người chăm sóc - những người âm thầm gánh vác phần lớn trách nhiệm chăm lo cho bệnh nhân. Chăm cho bệnh nhân Alzheimer không chỉ đối mặt với những khó khăn về mặt thể chất mà còn phải chịu đựng những căng thẳng tinh thần kéo dài. Sự hy sinh, tận tụy này xứng đáng nhận được sự cảm thông và hỗ trợ nhiều hơn từ phía cộng đồng và ngành y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng bệnh nhân sa sút trí tuệ