Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do thị trường thế giới vẫn bị tác động nặng nề bởi lạm phát, kinh tế suy giảm nên nhiều mặt hàng thủy sản chủ lực giảm. Tuy nhiên, một số dư địa cho thấy xuất khẩu thủy sản đặt kỳ vọng tăng trưởng trong quý II/2023.
Cụ thể kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 780 triệu USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so với quý I/2022.
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, xuất khẩu sang Mỹ có chiều hướng sụt giảm từ quý cuối năm 2022 và tiếp đà giảm trong 2 tháng đầu năm nay. Đến nay, Mỹ chỉ còn chiếm 14,5% tổng xuất khẩu thủy sản nhưng vẫn giữ vị trí thị trường nhập khẩu số 1 của Việt Nam.
“Trong bối cảnh lạm phát, nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản của Mỹ sẽ tăng tỷ trọng đối với phân khúc hàng đông lạnh và giảm nhiều hơn ở phân khúc hàng chế biến, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm so với năm trước, do vậy sẽ khó có sự bứt phá mạnh mẽ trong những tháng tới” - bà Hằng cho biết, ngoài thị trường Mỹ, thì Trung Quốc được coi là động lực thúc đẩy xuất khẩu của thủy sản Việt Nam trong năm 2023. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, thủy sản Việt Nam có 2 đối thủ cạnh tranh lớn là Ecuador và Ấn Độ, đang chiếm thị phần chi phối với hơn 60% nhập khẩu tôm của Trung Quốc. Thế mạnh của 2 nước này là sản phẩm tôm đông lạnh, cỡ nhỏ, giá rẻ. Không chỉ tôm, đối với các mặt hàng thủy hải sản khác, như các loài cá biển, mực, bạch tuộc...Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh của các nhà xuất khẩu và các thương gia thủy sản từ các nước.
Theo bà Hằng, xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam. Một điểm nhấn của thị trường thủy sản là Hội chợ thủy sản quốc tế Bắc Mỹ diễn ra từ ngày 12-14/3/2023 với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có 17 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Hội chợ thúc đẩy giao thương thủy sản Việt Nam với Mỹ và các nước nhập khẩu khác hồi phục từ sau quý I.
Theo VASEP, trong bối cảnh khó khăn, ngoài sản phẩm chủ lực và có thế mạnh như cá tra, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác thế mạnh từ hàng thủy sản tươi/sống xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cho các phân khúc nhà hàng, khách sạn, du lịch. Ví dụ: tôm sú, tôm hùm, cá biển, cua, hàu, sò điệp... tươi sống. Ngoài ra, có thể tiếp cận và khai thác thị trường Trung Quốc từ góc độ địa phương. Có những địa phương tại Trung Quốc có đặc thù và thói quen tiêu thụ tương tự như Việt Nam, ưa chuộng hàng thủy sản Việt Nam hơn các nước khác. Ví dụ như Quảng Tây nhập khẩu hơn 75% thủy sản từ Việt Nam, chỉ có 25% từ các nước khác.
“Trong bối cảnh thị trường khó khăn năm 2023, doanh nghiệp rất trông chờ các cơ quan quản lý giúp tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho doanh nghiệp để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản” - đại diện VASEP nói.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, từ đầu năm tới nay xuất khẩu giảm, có nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp vẫn trong tâm thế phát triển, tăng trưởng để cung cấp thực phẩm cho thế giới. Theo ông Hòe, để giúp cho ngành thủy sản tăng trưởng không còn gì khác bằng việc gia tăng giá trị chế biến thủy sản; phát triển theo mô hình kinh tế xanh để thuyết phục khách hàng thế giới.
Nhận định xu hướng thị trường của một số sản phẩm thủy sản chủ lực trong nửa đầu năm 2023, bà Lê Hằng cho rằng xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Hoa Kỳ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam.