Gia tăng người mắc rối loạn tâm thần

Đức Trân 09/08/2023 09:30

Theo thống kê từ Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (gần 15 triệu người). Trong đó tỷ lệ trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác.

Thăm khám bệnh nhân rối loạn tâm thần tại Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: TL.

Khoảng 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp

Các bác sĩ phân tích, rối loạn tâm thần là nhóm bệnh chỉ chung cho tình trạng rối loạn sức khỏe tâm thần, ảnh hưởng đến tâm trạng, suy nghĩ, hành động của con người. Một số ví dụ bệnh rối loạn tâm thần như: Rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tâm thần phân liệt... Các rối loạn tâm thần như trầm cảm thường xảy ra ở những người bị căng thẳng sau khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống: Thất nghiệp, mất người thân, đổ vỡ quan hệ, mâu thuẫn gia đình, thất bại trong học tập, khủng hoảng tinh thần… hoặc sau khi mắc một số bệnh, đặc biệt là các bệnh nặng, bệnh mạn tính (ung thư, đái tháo đường, tim mạch, đột quỵ).

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số (gần 15 triệu người). Trong đó tỷ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%)... Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Trao đổi về nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc rối loạn tâm thần gia tăng tại nước ta, TS.BS Vũ Thy Cầm - Trưởng phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) lý giải: Thực trạng này xuất phát từ 3 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là do xu hướng phát triển của xã hội hiện đại - con người chịu nhiều áp lực của cuộc sống, vì vậy các rối loạn liên quan căng thẳng ngày càng gia tăng, giới trẻ bị ảnh hưởng nhiều. Thứ hai là sự gia tăng sử dụng rượu bia và chất gây nghiện ở một nhóm bệnh nhân trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng. Thứ ba là nhóm các rối loạn tâm thần ở trẻ em ngày càng được gia đình quan tâm, đến khám nhiều hơn. Ngoài ra, Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân tác động lớn tới sức khỏe tâm thần của người dân.

Sức khỏe tâm thần ít được quan tâm

Đáng lo ngại hơn, so với các chuyên ngành khác, sức khỏe tâm thần là lĩnh vực sức khỏe cộng đồng ít được quan tâm hơn. Kết quả khảo sát năm 2022 của Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, có 61.3% (398/tổng số 649) bệnh viện huyện/trung tâm y tế quận huyện tổ chức khám, chữa bệnh ngoại trú cho người bệnh tâm thần, nhưng chỉ có 9.1% (59/649) cơ sở tuyến quận, huyện tổ chức khám, chữa bệnh nội trú cho người bệnh tâm thần. Kết quả này cho thấy khoảng trống lớn về điều trị rối loạn tâm thần tại tuyến quận, huyện.

Theo TS Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế): Dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc. Cả nước có khoảng 14 triệu người rối loạn tâm thần nhưng chỉ có 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu. Tuy nhiên, dịch vụ tâm lý lâm sàng chưa phải là dịch vụ chính thức được bảo hiểm y tế chi trả. Do vậy, 143 nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu chủ yếu được coi là kỹ thuật viên và làm các trắc nghiệm tâm lý, không phải dịch vụ tâm lý lâm sàng thực sự. Các dịch vụ phục hồi chức năng tâm thần cũng rất hạn chế. Không có dịch vụ sức khỏe tâm thần chính thức cho người dân bị tác động của thiên tai, thảm họa (lũ lụt, hạn hán và dịch bệnh).

Ông Thái nhấn mạnh: Theo ước tính, khoảng 0,5% rối loạn tâm thần khác được điều trị tại cơ sở chuyên khoa, như vậy có tới trên 90% (13/14) người rối loạn tâm thần chưa được nhận dịch vụ chính thức, trong khi đó số người mắc rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng về số lượng cũng như đa dạng thêm về nhiều mặt bệnh như lo âu, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

Trong khi đó, người dân vẫn chưa hiểu đúng về sức khỏe tâm thần, chưa biết có nhiều rối loạn tâm thần như trầm cảm, mất ngủ, lo âu... dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử, gây khó khăn trong chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Để giảm căng thẳng dẫn đến những rối loạn tâm thần, dự phòng, giảm nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, cần duy trì lối sống lành mạnh: Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích, tăng cường hoạt động thể lực, kết hợp cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi. Ngoài ra, cần biết phát hiện sớm các biểu hiện của các rối loạn liên quan stress như căng thẳng, lo âu, mất ngủ... để khám và điều trị kịp thời.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Thống kê cũng chỉ ra rằng, các rối loạn tâm thần gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, đồng thời gây ra tình trạng nghèo đói cho cá nhân và gia đình, cản trở đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng người mắc rối loạn tâm thần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO