Những ngày vừa qua, một số bệnh viện liên tục ghi nhận sự gia tăng nhanh của số ca mắc cúm A phải nhập viện, nhất là trẻ em. Đáng nói, đã có nhiều trường hợp biến chứng nặng về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhiễm khuẩn,...
Không tự ý điều trị tại nhà
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BSCKII. Trần Văn Bàn (Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc Phúc Trường Minh) thông tin, chỉ trong 5 ngày đầu năm 2025, Khoa Nhi của bệnh viện Hồng Ngọc đã tiếp nhận hơn 300 ca cúm A, số lượng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng nói, gần 20% bệnh nhi đã có biến chứng nặng về đường hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, sốt nhiễm khuẩn,... gây khó khăn và kéo dài thời gian điều trị, phần lớn do trẻ sử dụng thuốc tại nhà không qua kê đơn và đưa tới thăm khám muộn.
Điển hình là trường hợp bệnh nhi N.T.T. (2 tuổi), trước khi vào viện có biểu hiện sốt nhẹ từng cơn, ho nhiều đờm xanh, sổ mũi, được bố mẹ tự mua thuốc điều trị tại nhà trong 3 ngày nhưng không đỡ.
Thời điểm vào viện, bệnh nhi đã chuyển biến nặng trong tình trạng sốt cao, li bì, thở nhanh. Sau thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bé nhiễm cúm A bội nhiễm viêm phổi kèm suy hô hấp. Các bác sĩ đã nhanh chóng lên phác đồ điều trị tích cực và hỗ trợ thở oxy để cải thiện tình trạng.
Với sự gia tăng đột biến các ca mắc cúm A, B trong những ngày gần đây, theo BSCKII.Trần Văn Bàn, hiện tại miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa Đông Xuân, với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, cùng không khí hanh khô, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển và lây lan nhanh chóng.
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm không khí do bụi mịn tại Hà Nội đang trở nên nghiêm trọng. Các hạt bụi mịn có kích thước siêu nhỏ, dễ xâm nhập sâu vào phổi, gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp, làm tăng khả năng nhiễm trùng và biến chứng do cúm nhất là ở trẻ có sức đề kháng yếu.
Thêm vào đó, vào thời điểm cận Tết, khi các hoạt động tụ tập đông người như lễ hội và mua sắm diễn ra phổ biến, trẻ em thường xuyên tham gia những nơi đông đúc, dễ tiếp xúc với người mắc bệnh.
Để tránh các biến chứng nguy hiểm, BS. Bàn cảnh báo, phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đi khám ngay nếu có những dấu hiệu sau:
- Sốt cao liên tục > 38,5°C, hoặc co giật
- Khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực
- Tím môi và đầu chi, tay chân lạnh
- Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều…
BS. Bàn cũng khuyến cáo, phụ huynh không tự ý điều trị tại nhà, đảm bảo trẻ được tiêm phòng cúm đầy đủ hàng năm và đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ khi dịch cúm đang bùng phát mạnh.
Người lớn cũng cần lưu ý những dấu hiệu cần nhập viện ngay
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS. Lê Văn Thiệu (Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, hiện nay, các chủng cúm A, B đã trở thành một trong những virus cúm mùa thông thường.
Đa số người mắc chủng cúm này có thể có triệu chứng nhẹ, tự dùng thuốc nên không có thống kê. Cúm mùa vẫn diễn ra hàng năm và trong đó vẫn có người bệnh nặng tiến triển thành viêm phổi phải nhập viện.
BS. Thiệu nhấn mạnh, người lớn khi bị cúm cũng cần chú ý nhập viện ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu sau: Khó thở, thở nhanh; Tím tái, môi hoặc đầu ngón tay tím; Lơ mơ, không tỉnh táo, hoặc hạ nhiệt độ cơ thể bất thường (dưới 36°C); Đau ngực, huyết áp tụt.
Người bệnh không thể ăn uống, nôn nhiều, mất nước (khô môi, mắt trũng).
Những triệu chứng này có thể báo hiệu biến chứng nguy hiểm như viêm phổi hoặc suy hô hấp.
Bên cạnh đó, BS. Thiệu cũng cảnh báo về việc người dân bị cúm tự mua Tamiflu điều trị tại nhà.
"Tamiflu (oseltamivir) là thuốc kháng virus chỉ định cho các trường hợp nhiễm cúm A nặng hoặc có nguy cơ biến chứng. Đây là thuốc cần có đơn thuốc của bác sĩ, chỉ định trên các đối tượng người bệnh phù hợp, có triệu chứng nặng, đối với trẻ em cần điều chỉnh liều theo cân nặng.
Việc tự ý dùng thuốc khi không cần thiết có thể gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc, lãng phí thuốc hoặc lãng phí tiền bạc", chuyên gia khuyến cáo.