Thời gian qua tình hình tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mang tính vô nhân đạo...
Theo Cục Cảnh sát hình sự, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, với phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, đa dạng. Các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tiếp xúc trực tiếp khiến công tác phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tội phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên biên giới.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 đến nay, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh 590 trường hợp, xác định 337 trường hợp nạn nhân bị mua bán; đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (qua Tổng đài 111) đã tiếp nhận trên 3.100 cuộc gọi; trong đó có 128 ca chuyển tuyến giải cứu, hỗ trợ cho 146 nạn nhân và người có nguy cơ là nạn nhân bị mua bán. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã tổ chức tiếp nhận, xác minh 114 người; xác định 82 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 65 nạn nhân.
Số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH cũng cho thấy, thống kê từ các tỉnh, thành phố từ năm 2021 đến hết tháng 6/ 2023, số người được tiếp nhận, xác minh là 741 người, xác định 447 người là nạn nhân bị mua bán, trong đó 100 người bị mua bán trong nước, và 347 người bị bán ra nước ngoài. Trong số đó, có đến 260 nạn nhân là nữ và 187 nạn nhân là nam.
Theo đó, các tỉnh, thành phố đã hỗ trợ được 417 nạn nhân, trong đó 213 nạn nhân được bảo vệ an toàn, 343 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 273 nạn nhân được hỗ trợ , 273 nạn nhân được hỗ trợ chi phí đi lại, 184 nạn nhân được hỗ trợ y tế, 101 nạn nhân được hỗ trợ pháp lý, 233 người được hỗ trợ tâm lý, 69 nạn nhân được trợ cấp khó khăn ban đầu, 18 nạn nhân được hỗ trợ vay vốn, và 18 nạn nhân được hỗ trợ việc làm.
Mặc dù vậy, đánh giá về công tác phòng chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH), cho rằng, công tác phòng chống được dự báo còn nhiều thách thức. Trong khi đó, tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới các băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia, với những thủ đoạn tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là tình nguyện viên trong các trại tị nạn, các cơ sở y tế tư nhân, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thông qua các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc các nạn nhân.
Thực tế việc hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Tuy nhiên, phản ánh từ các địa phương cho thấy, sau nhiều năm triển khai vào thực tiễn cuộc sống, chính sách này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới, cùng với việc các địa phương cần chú trọng công tác phổ cập giáo dục, hỗ trợ vốn, giải quyết lao động, việc làm cho người dân vùng sâu, vùng xa, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số để họ có khả năng tự bảo vệ, cảnh giác trước tội phạm mua bán người thì việc sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người, sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người cũng là yêu cầu cấp thiết.