Sức khỏe

Gia tăng trẻ mắc cúm mùa

Đức Trân 13/12/2023 08:03

Từ đầu tháng 11 đến nay, số lượng bệnh nhân mắc cúm điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) gia tăng. Thời điểm này bệnh nhi mắc cúm đang tăng cao ở một số địa phương phía Bắc.

bai-chinh.jpg
Trẻ nhập viện do cúm mùa được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Đức Trân.

Nhiều bệnh nhi nhập viện vì cúm A

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu tháng 12 tới nay do thời tiết nóng lạnh thất thường, số trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng mạnh. Tính riêng trong tuần qua, bệnh viện đã khám cho 429 trường hợp mắc virus hợp bào hô hấp (RSV). Trong đó, 186 trẻ phải nhập viện điều trị; 804 trường hợp trẻ mắc cúm A đến thăm khám và 70 ca phải nhập viện.

Trong khi đó, gần 1 tháng nay, khoa Nhi (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) đã tiếp nhận hơn 150 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó chủ yếu là cúm A, RSV. Theo BS Nguyễn Thị Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi, thời gian gần đây, trẻ mắc cúm A có xu hướng gia tăng, bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp các bé lây chéo cúm A ở trường học. Bên cạnh đó, số trẻ mắc virus RSV cũng đang gia tăng.

Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân là trẻ em tới khám và nhập viện cũng tăng cao.

BS Đỗ Hoàng Hải - Phòng Điều trị tích cực, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Các phòng trong Trung tâm lúc nào cũng kín giường, bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị rất nhiều.

Tương tự, thông tin từ Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Bắc Giang, thời gian gần đây, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện tiếp nhận điều trị từ 25 - 30 trường hợp mắc cúm A. Nhiều bệnh nhi mắc cúm A còn kèm các mặt bệnh khác, như viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy nên điều trị phức tạp hơn, phải sử dụng kháng sinh.

Trong khi đó, tại Hải Dương, khoảng 2 tuần trở lại đây, có nhiều trẻ đến Bệnh viện Nhi khám được xét nghiệm và chẩn đoán mắc cúm A. BS Trần Thị Thanh Nhàn - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết những ngày gần đây, số bệnh nhân vào viện tăng cao, mỗi ngày khoa điều trị cho từ 20 - 25 bệnh nhân. Trẻ mắc cúm A nhập viện với các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều, uống thuốc không hạ sốt, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém, một số trẻ xuất hiện cơn co giật khi sốt cao.

Chủ động phòng bệnh

Bệnh cúm A (cúm mùa) và cúm thường đều do virus gây ra. Bệnh cúm A thường xảy ra vào cuối mùa thu và mùa đông. Với cúm thường, người bệnh có thể bị mắc vào bất cứ lúc nào trong năm, nhưng thường là vào cuối đông và đầu xuân.

TS.BS Lê Kiến Ngãi - Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết: Có thể thấy, cúm mùa là bệnh lý thường gặp, gần như ai cũng có thể mắc cúm mùa và thông thường khá chủ quan trước căn bệnh này. Thế nhưng, cúm mùa là một bệnh lý xảy ra chủ yếu ở đường hô hấp và có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng hay nói cách khác, thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục, nhưng đối với trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Cúm mùa có thể là mở đầu cho hàng loạt những biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ và người có tình trạng miễn dịch kém như nhiễm trùng phổi, viêm cơ tim, viêm não.

Theo BS Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, thời điểm cuối năm, các bệnh hô hấp gia tăng là điều bình thường, tuy nhiên năm nay, số ca mắc và nhập viện đồng loạt tăng cao khá đáng lo ngại. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do thời điểm cuối năm, hoạt động giao lưu đông người diễn ra nhiều hơn, cùng với thời tiết đông xuân lạnh là điều kiện cho mầm bệnh phát triển và lây lan mạnh hơn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên bị gián đoạn nên nhiều trẻ em vẫn chưa được tiêm vaccine đầy đủ, nguy cơ mắc bệnh rất cao khi tiếp xúc với cộng đồng.

Trong văn bản vừa gửi Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Viện Pasteur TPHCM về việc tiếp tục chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân đề phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp trong đó có cúm mùa. Theo đó, người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người.

Cúm A ở trẻ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, hen phế quản kịch phát… sẽ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cha mẹ cần lưu ý và theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ một cách cẩn thận, khi gặp các triệu chứng nặng, phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng trẻ mắc cúm mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO