Theo thống kê từ Bộ Y tế, trong số các bệnh hô hấp thường gặp ở trẻ em, tỷ lệ mắc hen phế quản là 10%, gấp đôi tỷ lệ ở người lớn. Riêng ở trẻ dưới 2 tuổi, tỷ lệ này lại càng cao.
Hen suyễn là bệnh viêm mạn tính của đường thở, rất nhạy cảm với các chất kích thích khác nhau. Nếu trẻ bị hen suyễn tiếp xúc với các chất kích thích đường thở - chủ yếu là phế quản sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn, khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.
Đang chăm sóc con (7 tuổi) mắc hen phế quản điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, anh Nguyễn M.T. (36 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Từ nhỏ cháu đã bị hen suyễn. Mỗi lần con bệnh, cả gia đình phải lao đao, thậm chí phải thuê trọ sống gần bệnh viện để tiện chăm sóc. Trong những ngày gần đây, thời tiết thay đổi và nhiều loại virus xuất hiện nên chúng tôi phải liên tục đưa cháu nhập viện do mắc các bệnh hô hấp, đặc biệt là hen suyễn”.
Theo TS. BS Lê Thị Thu Hương - Bộ môn Nhi, Trường Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh hen, trong đó 2 nguyên nhân dễ làm nổi phát cơn hen cấp ở trẻ là yếu tố dị nguyên và nhiễm virus. Với hen suyễn thì dị nguyên như phấn hoa, khói bếp, khói thuốc, bụi, lông chó mèo, thời tiết thay đổi thất thường… cũng là nguồn cơn gây kích ứng cơn hen. Một trong những tác nhân gây ra yếu tố kích thích hen kể cả ở trẻ em cũng như người lớn, các nghiên cứu cho thấy rằng 80% bệnh nhân hen phế quản có liên quan đến dị ứng mạt nhà. Mạt nhà rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường được, lại ở ngay các khe, kẽ, chăn ga gối đệm, giường chiếu… hiện hữu ngay môi trường xung quanh cuộc sống của trẻ.
Trong khi đó, nhiễm virus hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi bởi lúc đó hệ miễn dịch của các bé chưa trưởng thành. Đó là lý do tại sao tỷ lệ mắc bệnh hen ở trẻ em cao hơn người lớn.
Nguyên nhân kích thích hen ngoài yếu tố dị ứng như người lớn thì ở trẻ em còn có yếu tố nhiễm virus. Bên cạnh đó, đường thở của trẻ đang hình thành, kích thước đường thở của trẻ cũng nhỏ hơn so với người lớn. Chỉ cần một viêm nhẹ cũng dẫn đến tình trạng co thắt, đường thở nhỏ lại, dễ gây ra tiếng rít, tiếng khò khè đúng như triệu chứng của hen phế quản nên các mẹ dễ nhận biết hơn.
Theo chuyên gia y tế, hen phế quản là căn bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như làm giảm chức năng phổi nghiêm trọng, tràn khí màng phổi, suy hô hấp hay hen phế quản cấp nặng. Đáng nói, do hen phế quản là bệnh mãn tính nên rất khó để điều trị bệnh khỏi dứt điểm, bởi ngay cả khi trẻ không có triệu chứng bệnh thì tình trạng viêm nhiễm vẫn diễn ra âm thầm. Nếu không được kiểm soát hen triệt để, trẻ mắc hen với những tổn thương phổi kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng chức năng phổi suy giảm đến mức không thể phục hồi.
Thế nhưng, không ít trường hợp gia đình sau một thời gian điều trị dự phòng cho con, thấy sức khỏe trẻ ổn định là tự động bỏ thuốc, không đưa con tái khám định kỳ và hậu quả là tình trạng hen của trẻ càng trở nên trầm trọng, thậm chí phải nhập viện cấp cứu.
Một trường hợp cụ thể tại Bệnh viện Nhi trung ương, bé gái 5 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch vì hen phế quản, chị Bùi H.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) - mẹ của trẻ kể lại: “Cháu được chẩn đoán mắc hen và được chỉ định dùng thuốc dự phòng hàng ngày ít nhất trong 6 tháng. Nhưng mới được hơn 2 tháng, thấy bệnh cháu đỡ hẳn nên bà ngoại không cho dùng thêm thuốc. Lại nghe người bạn mách trong thuốc hen có chứa corticoid, dùng lâu dài có thể khiến mặt bị phù, thay đổi nội tiết và liệt kê một loạt các tác dụng phụ nên tôi cũng ngưng việc cho cháu dùng thuốc dự phòng. Được một thời gian, tôi đang đi làm thì đột nhiên cô giáo của con gọi điện thông báo con phải nhập viện cấp cứu vì lên cơn hen. Các bác sĩ nói rằng nếu không nhập viện kịp thời, có lẽ tôi đã mất con”.
Trao đổi về vấn đề này, TS. BS Lê Thị Thu Hương cho biết, thực tế điều trị cho thấy, những trường hợp như trên khá phổ biến. Rất nhiều cha mẹ lo sợ tác dụng phụ của thuốc nên đã từ chối điều trị cho con, thậm chí là điều trị không đến nơi đến chốn, điều này rất nguy hiểm.
“Khi trẻ được chỉ định sử dụng corticoid dạng xịt, dùng tại chỗ, hàng ngày với liều nhỏ sẽ giúp kiểm soát để không lên cơn hen, bảo tồn và duy trì chức năng của lá phổi. Nếu như bố mẹ vì lí do sợ tác dụng phụ của thuốc mà không điều trị thì con sẽ hay bị lên cơn hen cấp, không kiểm soát được hen về mặt triệu chứng. Mỗi lần điều trị những đợt cấp như vậy thì lượng corticoid vào người con rất nhiều, đặc biệt là trường hợp nặng phải sử dụng corticoid toàn thân cả đường uống và đường tiêm. Điều này khiến cho tác dụng phụ của corticoid ảnh hưởng đến trẻ nhiều hơn so với việc trẻ dùng hàng ngày dự phòng cơn hen”- bác sĩ Hương nói .
Chuyên gia y tế khuyến cáo, hen là bệnh mạn tính, do cơ địa, thường không thể điều trị dứt điểm mà chỉ có thể chung sống an toàn với bệnh. Các bậc cha mẹ cần điều trị, kiểm soát hen để trẻ không lên cơn hen. Nếu cha mẹ tuân thủ và điều trị tốt cho con thì phần lớn các em bé đều được kiểm soát hen tốt. Lộ trình điều trị hen sẽ phải kéo dài thông thường từ 6-9 tháng, 1-2 năm phụ thuộc vào từng thể trạng của trẻ. Theo một số nghiên cứu, khoảng 70% em bé đến tuổi trưởng thành, dậy thì hoặc đến tuổi đi học thì các con gần như ổn định. Do vậy, nếu trẻ tuân thủ điều trị tốt thì sẽ giảm dần thuốc và cắt thuốc hoàn toàn để có chất lượng cuộc sống như các trẻ bình thường.