Đã cận Tết song giá lợn hơi vẫn dao động ở mức 50.000 đến 54.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng.
Những ngày qua, giá lợn hơi tại miền Bắc ghi nhận trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 1.000 đồng/kg so với hôm trước. Cụ thể, Bình Thuận điều chỉnh giá thu mua lên mức 53.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Còn tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận và Đắk Lắk giá heo đang neo tại mức 51.000 đồng/kg. Thương lái khu vực miền Trung, Tây Nguyên đang giao dịch lợn hơi trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Dù giá lợn hơi có xu hướng chững lại, xong những ngày gần đây giá thịt lợn đến người tiêu dùng lại tăng. Cụ thể, tại các siêu thị ở Hà Nội giá thịt ba chỉ dao động ở mức 160.000 đồng/kg, sườn thăn 165.000 đồng/kg còn tại các chợ dân sinh giá thịt lợn cũng tăng nhẹ so với 1 tuần trước đó. Cụ thể thịt thăn có giá 140.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 150.000 đồng kg, sườn 150.000 đồng kg, mông sấn 110.000 đồng/kg.
Lý giải mức giá thịt lợn tại chợ tăng, bà Nguyễn Thị Ánh, thương lái ở chợ Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, 100 kg heo hơi thu được ước chừng 60-65 kg thịt ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Trước kia chi phí sau giết mổ, một kg thịt thành phẩm ở mức 75.000-85.000 đồng. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, chi phí này liên tục tăng, đẩy mỗi kg thịt thành phẩm lên 90.000-100.000 đồng. Chưa kể những ngày gần đây giá xăng liên tục tăng đẩy chi phí vận chuyển vì vậy giá thịt lợn tại chợ tăng.
Nghiên cứu của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng chỉ ra thực tế, giá lợn hơi thường chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố thời vụ trong quý IV và nhu cầu thường tăng trước kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu dường như không tăng lên. Theo SSI, chi phí sản xuất trung bình của trang trại hộ gia đình ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất trung bình của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg. Như vậy, với giá lợn hơi bình quân 55.000 đồng/kg, các hộ chăn nuôi hầu như không có lãi.
Đáng chú ý, SSI cũng đưa ra dự báo giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến, chỉ đạt khoảng 60.000 đồng/kg vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ). Một số chuyên gia nhận định rằng, thị trường lợn hơi trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc khi người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu và đang ưu tiên cho các thực phẩm giá rẻ. Trong khi đó, nguồn cung thịt heo tiếp tục dư thừa, nhất là các công ty chăn nuôi có quy mô lớn.
Cũng trong thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu thấp. Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 100,52 nghìn tấn (HS 0203), trị giá 214,85 triệu USD, giảm 32,4% về lượng và giảm 37,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Để tháo gỡ những khó khăn cho người chăn nuôi lợn nói riêng và ngành chăn nuôi nói chung nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải sớm giải quyết được bài toán nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất. “Người nông dân đã phải bán vật nuôi tại nhiều thời điểm thấp hơn giá thị trường, chịu lỗ do chi phí đầu vào đang quá cao. Đây là thực trạng của ngành chăn nuôi trong năm qua và cần có giải pháp để khắc phục trong năm 2023” - ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho ngành Chăn nuôi cần có giải pháp thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, mở rộng quy mô liên kết sản xuất, chủ động được nguồn nguyên liệu, phát triển thêm nhiều nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp sẽ giúp ngành chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng ổn định.