Giá trị truyền thống có mai một nhưng không thể đổ vỡ

Lục Bình (thực hiện) 28/06/2015 09:56

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoa Hữu Vân đã dành cho PV Đại Đoàn Kết cuộc trò chuyện xoay quanh những vấn đề mang tính thời sự mà các gia đình Việt Nam đang phải đối mặt. Theo ông Hoa, do tác động của cuộc sống, các mối quan hệ trong các gia đình Việt hôm nay dường như lỏng lẻo hơn, nhưng không vì thế mà cho rằng gia đình truyền thống đang đổ vỡ.

Giá trị truyền thống có mai một nhưng không thể đổ vỡ

Ông Hoa Hữu Vân

PV: Thưa ông, trước sự biến đổi mạnh của xã hội, gia đình hẳn cũng có những đổi thay. Như không ít ý kiến cho rằng những giá trị cốt lõi của gia đình truyền thống của người Việt đang bị đổ vỡ?

Ông Hoa Hữu Vân: Theo thời gian với nhiều biến động, dù vậy, có thể nói gia đình Việt Nam cho tới ngày hôm nay vẫn là thiết chế bền vững. Trong đó giá trị cốt lõi của gia đình vẫn được phát huy, đó là yêu thương, chia sẻ, kính trên nhường dưới, tình nghĩa thủy chung, biết ơn tiên tổ, hòa thuận anh em. Đó là những giá trị đã và vẫn đang được xã hội trân trọng, trong nhiều gia đình Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu tác động của quá trình công nghiệp hóa và hội nhập, một số giá trị của gia đình truyền thống đang dần bị mai một. Thế nhưng, vì lẽ đó mà một số người cho rằng giá trị truyền thống của gia đình Việt đang bị đổ vỡ, thì tôi không đồng tình quan điểm này. Tôi cho rằng, không có sự đổ vỡ nào mà chỉ có một số giá trị bị mai một thôi. Đúng là có chuyện mối quan hệ của các thành viên trong gia đình lỏng lẻo hơn, vì họ ít thời gian ở bên nhau. Bởi, nhịp sống hiện đại đã cuốn các thành viên trong gia đình vào “công cuộc” cơm áo. Họ phải ưu tiên thời gian để kiếm tiền nên thời gian dành cho nhau trở nên eo hẹp. Đặc biệt, người lớn ít còn thời gian dành cho trẻ con, đấy là điều đáng tiếc mà chúng ta phải nhìn nhận để thấy rằng, đó là những nguy cơ trong mỗi gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nhịp sống hiện đại tác động đến mọi gia đình khiến người ta ít có thời gian quan tâm đến nhau, làm sao có thể gắn kết các thành viên trong gia đình? Và, làm thế nào giải quyết bài toán kinh tế và duy trì những nét truyền thống trong gia đình?

- Áp lực của việc kiếm tiền để nuôi con, để tăng thu nhập cho gia đình là điều có thật và nó luôn làm quỹ thời gian của mỗi thành viên trong gia đình bị co ngắn lại. Giải quyết mối quan hệ giữa lo kinh tế hay thực thi trách nhiệm với gia đình là bài toán khó. Ở nước ta, nhiều các chính sách xã hội chưa được đề cập đến vấn đề này một cách toàn diện.

Tôi được biết, ở các nước khác, người ta có quy định: Nếu trong gia đình có người cao tuổi, con cái mua nhà gần cha mẹ mình sẽ có chính sách giảm giá nhất định. Đấy là chính sách tạo điều kiện để các thành viên gắn kết hơn. Còn ở nước ta, muốn làm được điều này còn phải thời gian dài nữa mới tiệm cận được. Cho nên trước hết, để giảm áp lực này thì trong mỗi gia đình, mỗi thành viên trong gia đình phải tự cân đối quỹ thời gian cho mình, phải giảm bớt những cái chúng ta đã quá coi trọng. Kinh tế cũng quan trọng nhưng cũng đừng coi nhẹ việc vun vén cho tổ ấm của mình. Nếu mỗi người đều ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình, ngoài nhiệm vụ kiếm tiền thì chắc chắn sẽ bớt đi những khoảng trống trong các gia đình.

Thưa ông, trong gia đình Việt Nam đương đại, ngoài giá trị truyền thống đã xuất hiện giá trị mới như tôn trọng sự riêng tư, sự tự do cá nhân... Tuy nhiên, nếu quá đề cao những giá trị này sẽ khó khăn trong nuôi dạy con cái?

- Phải hiểu thế nào là những giá trị cá nhân, giữa giá trị cá nhân và ích kỉ cá nhân là hai khái niệm không giống nhau. Giá trị cá nhân thì phải được đề cao, mỗi người phải tự khẳng định giá trị cá nhân của mình. Nhưng khẳng định giá trị cá nhân bằng lối sống ích kỉ, thu hẹp mình lại, chỉ biết mình, không cần biết đến cha mẹ sống thế nào thì phải xem lại.

Tôi cho rằng vấn đề cốt lõi là sự giáo dục trong gia đình. Có một điều chúng ta nhìn nhận giáo dục gia đình hiện nay đang có vấn đề. Giờ thì tiêu chí của một đứa con ngoan theo truyền thống với tiêu chí của một đứa con ngoan mà nhiều gia đình đang hướng tới lại không đồng nhất với nhau.

Nếu trong truyền thống, một đứa con ngoan trước hết là đứa con phải biết cư xử thế nào, phải kính trên nhường dưới, thưa gửi xin phép, chăm lo đến thành viên khác thế nào, thì ngày nay tiêu chí một đứa con ngoan dường như trong các gia đình trẻ rất khác. Có khi tiêu chí con ngoan lại là đứa con luôn luôn mang điểm 10 về cho gia đình. Hiện trong nhiều gia đình, quá quen thuộc hình ảnh người lớn chào trẻ con trước khi chúng ở trường về mà không quan tâm tại sao không dừng lại để yêu cầu hoặc hướng dẫn, uốn nắn trẻ từ tấm bé phải biết chào người lớn. Giáo dục trẻ từ những việc làm hàng ngày như thế tôi nghĩ sẽ tốt cho trẻ. Và dù có tôn trọng tự do cá nhân thì nó phải nằm trong khuôn khổ của đạo đức xã hội, đạo đức gia đình. Chúng ta cần nhìn nhận sâu sắc về việc này.

Trước những sự thay đổi của các gia đình, thưa ông hẳn việc hoạch định chính sách về gia đình cũng có những thay đổi?

- Những năm tới chính sách cần ưu tiên cho các gia đình đó là tập trung cho giáo dục con trẻ ngay từ trong nhà, đây là điều không thể thiếu nếu muốn hướng tới gia đình hạnh phúc. Theo đó các chính sách phải hướng tới xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đó là chủ đề xuyên suốt trong việc thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến 2020. Chúng ta phải tập trung vào giáo dục trong gia đình, từ gia đình, bắt đầu từ gia đình. Con người nào cũng vậy thôi, không thoát ly khỏi gia đình, kể cả khi họ đã trưởng thành thì giáo dục gia đình, tác động trong giáo dục gia đình vẫn có giá trị.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá trị truyền thống có mai một nhưng không thể đổ vỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO