Đúng ngày vía Thần Tài hoạt động mua bán tăng nhanh, tuy nhiên, cảnh xếp hàng chờ đợi chỉ diễn ra vào một vài thời điểm. Đáng chú ý chênh lệch giá bán ra và mua vào của các nhà vàng sáng 10/2 được nới lên mức cao, từ 1 triệu đến 1,6 triệu đồng một lượng.
Khoảng cách chênh lệch lớn
Trong ngày vía Thần Tài (10/2), giá vàng SJC và vàng các thương hiệu riêng đều tăng khá mạnh so với cuối phiên giao dịch ngày 9/2, nhất là ở chiều bán ra, lên tới nửa triệu đồng mỗi lượng. Cụ thể, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn tại thị trường Hà Nội niêm yết ở mức 61,7 - 62,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giá vàng tại TPHCM là 61,7 - 62,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 350.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 550.000 đồng/lượng ở chiều bán so với phiên trước.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI tại thị trường Hà Nội và TPHCM cùng niêm yết ở mức 61,1 - 62,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch giữa giá mua – giá bán là 1,6 triệu đồng/ lượng.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng SJC cũng niêm yết ở mức 61,75 - 62,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC ở mức 61,77 - 62,65 triệu đồng/lượng.
Trong khi giá vàng các thương hiệu khác lại “dễ thở” hơn khi thấp hơn gần chục triệu đồng mỗi lượng. Vì thế, đây là mặt hàng được nhiều khách hàng lựa chọn trong ngày vía Thần Tài.
Theo đó, giá nhẫn vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu, niêm yết tại mốc 53,30 – 54,40 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Nhẫn Phú Quý 24K, niêm yết ở mức 53,80 – 54,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại DOJI, giá vàng nhẫn H.T.V niêm yết ở mức 53,05 – 54,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Theo bà Lê Thị Hiền – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, đầu năm người dân có tiền thường mua vàng để tích trữ và cầu may. Mọi năm khách hàng thường mua 1 chỉ, nhưng nay có nhiều khách mua trọn bộ 8 chỉ hoặc mua số lượng lớn để tích trữ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động.
Nhẫn trơn, vàng miếng loại nhỏ “cháy hàng”
Tại nhiều cửa hàng vàng bạc tại TPHCM, mặc dù đã bày bán các sản phẩm vàng Thần Tài từ những ngày trước đó, song ngày 10/2 khách mua vàng cầu may vẫn tấp nập.
Từ sớm nhiều tiệm vàng trên đường Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp (thành phố Thủ Đức); đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh); đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3),... đã đón khách mua vàng cầu may.
Ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, năm nay các loại vàng mang hình linh vật hổ, chữ Thần Tài, Lộc, Phúc, An... được khách hàng chọn mua nhiều nhất. Những sản phẩm vàng có giá trị nhỏ cũng là lựa chọn của không ít người. Tại một số cửa hàng loại vàng miếng 1 – 2 chỉ rơi vào tình trạng “cháy hàng”, nhiều khách chuyển sang mua nhẫn trơn hoặc nhẫn kiểu.
Đơn cử, tại tiệm vàng Mi Hồng (quận Bình Thạnh) từ sáng sớm đã thông báo hết SJC lẻ loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, chỉ còn loại vàng miếng. Theo đại diện các cửa hàng vàng, năm nay lượng khách mua vàng giảm khá nhiều chỉ bằng 1/2 năm 2021. Đa số khách hàng mua vàng ngày vía Thần Tài để cầu may, không còn là khách hàng đi bán ra, mua vào để hưởng chênh lệch như mọi năm. Cách đây 3 ngày giá vàng tăng cao là do khách hàng chủ yếu đi bán ra vàng để hưởng chênh lệch.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm nay diễn biến giá vàng trong nước đầy bất ngờ. Cụ thể, giá vàng trong nước tăng mạnh trước ngày vía Thần Tài rồi lao dốc. “Những năm trước giá vàng thường tăng mạnh trong ngày vía Thần Tài, sau đó lại giảm, vì vậy năm nay nhà đầu tư tranh thủ chốt lời từ sớm. Diễn biến này buộc doanh nghiệp phải hạ giá mua - bán, khiến giá vàng giảm cả triệu đồng trong buổi chiều trước ngày vía Thần Tài”, ông Nguyễn Ngọc Trọng - Giám đốc Công ty Vàng Đối tác mới (NPJ) cho biết.
Hoạt động mua bán diễn ra nhanh chóng
Lượng giao dịch của khách hàng tại các cửa hàng vàng khá đông đúc, lượng khách mua vào nhiều hơn khách bán. Ngày vía Thần Tài năm nay vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nên hoạt động mua bán cũng diễn ra nhanh chóng, một số cửa hàng còn lập rào chắn, vách ngăn khi mọi người xếp hàng để giữ khoảng cách an toàn cho người đến mua.
Tại Hà Nội, không khí giao dịch tại “phố vàng” Trần Nhân Tông vào đầu giờ sáng không quá đông. Chị Hồ Phan Quỳnh Linh (Minh Khai – Hà Nội) chia sẻ, lúc 9h chị có dừng chân mất chừng 15 -20 phút là mua được một chỉ vàng SJC. Chẳng phải chờ đợi lâu như những năm trước. Tuy nhiên, sau 10h30 sáng, thời tiết ấm hơn, lượng người đến giao dịch vàng có đông hơn.
Theo quan sát những năm gần đây, giá vàng thường có xu hướng tăng trong dịp Thần Tài và giảm trở lại sau đó. Hiện giá vàng trong nước dù đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn đang ở mức cao so với giá vàng thế giới. Theo nhận định của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, mức chênh hơn 12 triệu đồng/lượng giữa giá trong nước và thế giới là quá cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này, ông Hiếu cho rằng, là do thị trường vàng Việt Nam không liên thông với thị trường quốc tế. Ở Việt Nam chỉ Ngân hàng Nhà nước được quyền nhập khẩu vàng, từ đó phân phối ra thị trường. Do đó, nguồn cung không dồi dào và đẩy giá mặt hàng này lên cao.
“Giá vàng sẽ lên xuống bất ổn trong thời gian này, vì vậy người dân không nên đầu cơ” - TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Trên thế giới, giá vàng cũng đang trong xu hướng tăng, hiện đang giao dịch quanh 1.834 USD/ounce.
Ghi nhận của PV báo Đại Đoàn Kết, năm nay các loại vàng mang hình linh vật hổ, chữ Thần Tài, Lộc, Phúc, An... được khách hàng chọn mua nhiều nhất. Những sản phẩm vàng có giá trị nhỏ cũng là lựa chọn của không ít người. Tại một số cửa hàng loại vàng miếng 1- 2 chỉ rơi vào tình trạng “cháy hàng”.