Kinh tế

Giá vé bay cao, du khách “quay xe”

H.Hương 20/03/2024 09:50

Theo phản ánh hiện nay chi phí vé máy bay nội địa đang cao, nên khách thường so sánh với các điểm đến trong khu vực ASEAN và nhiều người đã chọn ra nước ngoài du lịch thay vì trong nước. Giữa lúc Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế thì khách Việt Nam lại du lịch nước ngoài nhiều hơn. Ngay cả khi mùa du lịch hè đang đến, du khách nội địa phải “nâng lên đặt xuống” cũng chỉ vì giá bay quá “chát”.`

anh-cv.jpg
Giá vé máy bay tăng khiến nhu cầu du lịch nội địa giảm (Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục bay tại sân bay Nội Bài). Ảnh: Quang Vinh.

Nhân dịp con gái và con rể đang sinh sống và làm việc ở Phần Lan về nước, ông Phan Quốc Dũng (TP Vinh, Nghệ An) lên kế hoạch du lịch sớm cho gia đình 5 người. Điểm lựa chọn mà gia đình ưu tiên số một là Phú Quốc.

“Quay xe” vì giá vé

Tuy nhiên, chặng Hà Nội - Phú Quốc ít khi mua được vé máy bay giá rẻ, thường dao động từ 7 – 8,5 triệu đồng cho mỗi người. Như vậy, chi phí cho kỳ nghỉ 3 ngày, bao gồm cả ăn uống và khách sạn của cả gia đình ngót ngét tới 50 triệu đồng.

“Gia đình tôi cũng không phải giàu có, bà xã đã nghỉ hưu, một mình tôi nuôi cả nhà. Đi chuyến này 3 người cũng phải gần 30 triệu, xót lắm. Vì thế gia đình chỉ loanh quanh Nghệ An, Hà Tĩnh tự lái xe đi lại cho ngon bổ rẻ. Khoản tiền du lịch kia để ăn uống cho thoải mái” - ông Dũng nói.

Trong khi đó, chị Thuỳ Dương (ở Minh Khai, Hà Nội) đang kỳ công tìm và liên hệ các đơn vị bán tour du lịch để 3 mẹ con đi du lịch. Chị Dương khá ưng ý với một đơn vị bán tour Hà Nội - Phú Quốc, bao gồm các dịch vụ vé máy bay, lưu trú 4 ngày 3 đêm tại khách sạn, miễn phí bữa sáng, miễn phí đón tiễn sân bay 2 chiều, kinh phí 5,95 triệu đồng/người.

“Thấy tour này có vẻ hợp túi tiền, nhưng khi chat với người bán tour mình mới biết thời điểm bay là tháng 6. Mà kinh nghiệm 2 lần đi Phú Quốc của mình, giai đoạn tháng 6 chỉ có mưa nên chỉ ở được khách sạn mà không thể vui chơi được. Với tổng kinh phí 3 mẹ con bỏ ra gần 18 triệu đồng mà lại vào mùa mưa ở Phú Quốc, tôi quay xe mua trọn gói 1 tour Thái Lan gồm cả di chuyển, ăn chơi, ngủ nghỉ tẹt ga cũng chỉ từ 7,2 triệu đồng/người cho tour 5 ngày” - chị Dương chia sẻ và cho biết thêm, chị cũng muốn cho 2 con của mình xuất ngoại du lịch một lần, nên đã so sánh và có thêm lý do để đổi hướng từ du lịch nội địa sang du lịch nước ngoài.

Ông Phạm Quý Huy - Giám đốc Công ty du lịch Kiwi Travel cho rằng, chi phí vé máy bay nội địa đang cao, nên khách thường so sánh với các điểm đến trong ASEAN và chọn ra nước ngoài du lịch nhiều hơn trong nước. Giữa lúc Việt Nam thu hút khách du lịch quốc tế thì khách Việt Nam lại du lịch nước ngoài nhiều hơn. Đây là trở ngại trong liên kết phát triển các tour dài ngày trong nội địa.

anhbaichinh.jpg
Người dân e dè trước tình trạng giá vé máy bay tăng cao. Ảnh: Quang Vinh.

Mùa du lịch hè này giá vé liệu có tăng?

Theo thông báo, mức trần giá vé máy bay đã thay đổi từ 1/3 vừa qua, các đường bay có khoảng cách dưới 500km giữ nguyên khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay từ 500km trở lên chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé một chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề giá trần vé máy bay dự kiến tăng trong quý II và III/2024 liệu có đẩy giá vé máy bay dịp lễ 30/4 và dịp hè lên cao, từ đó tác động tới giá tour du lịch?

Theo phản ánh của một số hành khách, giá vé máy bay hiện nay đã khá cao. Một số gia đình đang tính phương án đi tàu để được ngắm cảnh đẹp mà lại không quá đắt đỏ.

Theo ghi nhận trên hệ thống bán vé của 1 số hãng nội địa trong giai đoạn tháng 3 đến giữa tháng 4/2024, giá vé đang giảm, có chặng giảm tới 30-50% so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng nhiều khách hàng vẫn nhận xét đây là mức giá khá cao.

Chị Nguyễn Thuỳ Linh (Toà nhà Rice City, quận Long Biên, Hà Nội) nói, chị đang muốn bay vào Tây Nguyên mùa này vì bạn bè nói Tây Nguyên đang rất đẹp, song tìm vé máy bay cứ phải 3,5 - 4,2 triệu đồng.

“Giá quá đắt, còn chưa kể tiền di chuyển ăn uống nữa. Đi chơi 3 hôm mà cứ mất 8 triệu đồng thì còn phải suy nghĩ” - chị Linh nói.

Tại một số điểm du lịch như Quy Nhơn, Phú Quốc thì giá vé máy bay chặng này cũng không hề rẻ. Chẳng hạn chặng Hà Nội - Quy Nhơn là một trong những chặng có mức tăng cao nhất trong số các chặng du lịch chính. Giá vé máy bay khứ hồi được khảo sát giai đoạn từ ngày 27/4 đến 30/4 có giá 5 triệu đồng, cao hơn 600.000 đồng so với một tháng trước cao điểm và cao hơn 2 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm. Với chặng Hà Nội đi Đà Nẵng giai đoạn 27 - 30/4, mức giá tốt nhất hiện là 4,8 triệu đồng khứ hồi, cao gấp 1,6 lần so với một tuần sau đó và 1,4 lần so với một tháng trước. Vào ngày 22/4 năm ngoái, vé chặng này giai đoạn từ ngày 28/4 đến 1/5 có giá 3,8 triệu đồng.

Chặng Hà Nội đi Phú Quốc giai đoạn từ ngày 27 đến 30/4 có giá khoảng 5 triệu đồng, cao hơn khoảng 2 triệu đồng so với một tháng trước và một tuần sau kỳ nghỉ lễ. Nếu bay giờ đẹp, giá vé máy bay khứ hồi chặng này khoảng từ 7,2 đến 8,6 triệu đồng. Chặng Hà Nội - Nha Trang có giá 4,7 triệu đồng, cao hơn 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ tháng trước và 1 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm; giờ đẹp giá khoảng 7,6 triệu đồng.

Các chặng khởi hành từ TPHCM giai đoạn từ ngày 30/4 đến 3/5 đi Phú Quốc là 3,8 triệu đồng và Nha Trang là 4,6 triệu đồng, đều cao hơn khoảng 1 triệu đồng so với cùng kỳ tháng trước và một tuần sau đó. Trong khi đó, chặng TPHCM đi Hà Nội kết nối các điểm du lịch phía Bắc có giá khoảng 4,3 triệu đồng khứ hồi - cao hơn giá trung bình chặng này ngày thường khoảng 1 triệu đồng.

Ông Phạm Anh Vũ - Giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt từng chia sẻ rằng, việc giảm hẳn nhu cầu du lịch nội địa, phần lớn do tác động giá vé máy bay tăng. Mà chi phí vé máy bay luôn là dịch vụ đầu vào quyết định khá lớn đến giá tour. Các doanh nghiệp lữ hành hiện tổ chức đưa du khách nội địa từ tối thiểu 3 địa phương là điểm đi chính như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng đến tham quan Hạ Long, Sa Pa, Cần Thơ, Côn Đảo, Phú Quốc... thuận lợi chính nhờ các cảng hàng không quốc tế và có nhiều hãng bay, đường bay. Có thể nói rằng, hàng không là xương sống cho các sản phẩm du lịch nội địa và bất cứ biến động nào của giá vé cũng đều ảnh hưởng trực tiếp tới ngành du lịch.

Ông Phạm Quý Huy chia sẻ với báo giới, nếu tổng chi phí tour - gồm cả vé máy bay, vào khoảng 7 - 10 triệu đồng/người thì chắc chắn du khách sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore nhiều hơn.

Còn ông Lê Trung Tín - Giám đốc điều hành Công ty du lịch Tín Việt (TPHCM) cho biết, tour nội địa đi 6 ngày đã gồm vé máy bay chắc chắn sẽ cao hơn tour 6 ngày ở một số nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… Thế nên, lượng khách trong nước đổ đi du lịch nước ngoài, thậm chí tới đây còn tăng nữa.

Về việc giá vé máy bay cao, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3, ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính vì sao giá vé máy bay trong thời gian qua tăng cao. Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại và để kích cầu cho ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh? Còn ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, trong hoạt động không phải lúc nào chúng ta cũng đạt doanh thu cao bằng cách tăng giá vé. Bởi phải tìm được điểm doanh thu tối ưu, căn cứ vào giữa cung cầu. Có khi giá giảm, số lượng bán tăng lên doanh thu cao lê, các công ty cũng cần phải nghiên cứu.

Trong khi đó, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc vé máy bay tăng cao cũng không hẳn do vấn đề nhiên liệu hay về cung cầu. Liên quan đến quản lý giá hiện nay, chúng ta có Luật Giá và khuôn khổ pháp lý rất đầy đủ. Tuy nhiên có một vấn đề có thể nói cũng là một nghịch lý, đó là đối với các mặt hàng này càng tăng trong khi giá doanh nghiệp nhà nước lại càng lỗ.

“Câu chuyện đặt ra là phải giải được bài toán này và đặc biệt xác định giá phải có xác định được đầu vào, đầu ra, xác định được các chi phí. Đối với giá vé máy bay, đặc biệt với Việt Nam Airlines, tôi cho rằng chi phí cao quá, ảnh hưởng ngay đến giá chứ không phải liên quan đến vấn đề cung, cầu và nhiên liệu” - ĐBQH phân tích.

Theo các chuyên gia du lịch, ngành du lịch và các hãng hàng không cần hợp tác chặt chẽ, lên kế hoạch điều tiết trong các dịp cao điểm. Cần xây dựng một cơ quan, đơn vị định hướng các doanh nghiệp lữ hành, hàng không phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường. Nếu không giải quyết được vấn đề này, du lịch Việt Nam sẽ mất đi một lượng khách đáng kể, bởi du khách sẽ chuyển hướng du lịch sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… khi những điểm đến này có nhiều hãng hàng không cạnh tranh, nguồn cung lớn, chính sách visa thông thoáng, giá thành thấp.

anhboxx.jpg

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, “điệp khúc” đến dịp lễ, Tết, nhu cầu vận chuyển tăng cao và giá vé máy bay tăng lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay. Chi phí đi lại, trong đó giá vé máy bay là một trong những yếu tố quyết định rất lớn đến nhu cầu du lịch. Thông thường các du khách đưa ra lựa chọn đi du lịch hay không sau khi tính toán tổng chi phí, mà chi phí đi lại bằng máy bay được đặc biệt quan tâm. Cần phải có giải pháp về cơ chế vé máy bay thì mới thúc đẩy phát triển du lịch phát triển được. Cái khó là tìm điểm chung của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân có nhu cầu du lịch và các hãng bay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá vé bay cao, du khách “quay xe”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO