Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Giá vé bay và chất lượng phục vụ

Ngọc Quang 04/03/2024 07:06

Từ ngày 1/3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều - Thông tư 34 của Bộ Giao thông vận tải. Nhiều ý kiến đặt vấn đề: việc tăng trần giá vé máy bay có ảnh hưởng tới du lịch trong nước hay không và chất lượng dịch vụ có được tăng lên?

Với mức tăng giá trần mới, đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850km đến dưới 1.000km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.

Theo ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, lần điều chỉnh trần giá vé máy bay gần đây nhất là vào năm 2015. Rất nhiều chi phí đầu vào của ngành hàng không đã thay đổi trong gần 10 năm qua, đặc biệt là giá nhiên liệu, tỷ giá. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa từ ngày 1/3/2024 là điều kiện để các hãng bù đắp chi phí và là cơ hội để các hãng tiếp tục điều chỉnh dải giá vé trên hệ thống các đường bay nội địa.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại khi trần giá vé bay nội địa tăng. Thực tế cho thấy, năm 2023, giá vé máy bay cao đã khiến giá tour du lịch trong nước tăng, làm giảm sự lựa chọn của du khách đối với du lịch nội địa. Sau khi so sánh giá tour nội địa với các điểm du lịch lân cận như Thái Lan, Singapore..., nhiều người quyết định đi du lịch nước ngoài. Đại diện Công ty Kiwi Travel cho biết, nghịch lý là chặng TPHCM - Hà Nội giá vé khứ hồi khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/người, trong khi giá tour 4 ngày chỉ tầm 3,5 - 4 triệu đồng/người. Nếu tổng chi phí tour, gồm cả vé máy bay vào khoảng 7 - 10 triệu đồng/người thì du khách sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore nhiều hơn.

Việc tăng trần vé bay nội địa khiến nhiều doanh nghiệp du lịch lo lắng khi mùa cao điểm du lịch hè sắp bắt đầu. Với những nhóm đối tượng khách "nhạy cảm về giá” sẽ khiến họ phải chọn lựa. Hiện, giá vé bay chiếm 40 - 60% cơ cấu giá tour du lịch. Vì vậy, việc giá vé máy bay tăng cao buộc các công ty lữ hành phải điều chỉnh tăng giá tour nội địa 10 - 20%, từ đó nhiều khả năng sẽ làm giảm sức hút của thị trường, ảnh hưởng đến việc kích cầu du lịch nội địa khi khách phải “cân đong” nhiều hơn.

Nói như Tổng Giám đốc Du lịch Việt Phạm Phương Anh, giá vé bay tăng là một thách thức đối với ngành du lịch, cùng đó các địa phương cũng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng.

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia hàng không, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, khi giá vé máy bay được quyết định bởi thị trường, các hãng bay đều phải có có cách tính toán chi phí cân đối cho các chuyến bay để cạnh tranh với các hãng khác. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất trên thị trường vé máy bay trong thời gian gần đây là vé giá rẻ ngày càng khan hiếm.

Bên cạnh đó, tình trạng hủy chuyến, chậm chuyến (delay) vẫn không được khắc phục triệt để. Chính Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, tính tổng 12 tháng năm 2023, các hãng hàng không Việt đã khai thác 281.600 chuyến bay, giảm khoảng 30.000 chuyến so với cùng kỳ năm 2022 (313.000 chuyến). Năm 2023, tổng số chuyến bay bị hủy là 888 chuyến, giảm hơn so với năm 2022 (1.155 chuyến). Tuy nhiên, số chuyến bay bị chậm lại lên tới gần 44.000 chuyến, tăng 12.000 chuyến so với năm 2022. Tỷ lệ bay đúng giờ toàn ngành năm 2023 là 84,5%.

Tăng trần giá bay sẽ nhận được sự đồng tình của các hãng du lịch, của khách bay nếu như chất lượng dịch vụ cũng tăng lên tương ứng. Nhưng điều đó lại vẫn phải chờ thời gian. Chất lượng phục vụ trước hết chính là chấm dứt tình trạng các chuyến bay bị hủy, bị chậm. Hành khách bỏ một số tiền lớn để được bay, cùng với việc tiết kiệm được thời gian thì còn để được hưởng một loại dịch vụ tiên tiến, thay vì phải “mua” sự bực bội vào người.

Mà muốn khắc phục được điều đó, thì chỉ ngành hàng không và các hãng bay làm được mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá vé bay và chất lượng phục vụ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO