Giao thông

Giá vé máy bay tăng cao có phải do 'gánh' nhiều thuế, phí?

Lê Khánh 05/05/2024 19:05

Theo thống kê, các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Dư luận cho rằng, giá vé máy bay tăng cao thời gian qua là do mức thu thuế, phí.

Một vé máy bay "gánh" trên 20 loại thuế phí

Trả lời về vấn đề trên, đại diện Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết, các khoản phí nêu trên là “giá dịch vụ” chuyên ngành hàng không quy định tại Thông tư số 53, ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); không phải là khoản phí thuộc ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật Phí và lệ phí.

Theo Thông tư số 53, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí. Trong số này gồm có 5 loại dịch vụ do nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do nhà nước quy định khung giá.

Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.

Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối...

Người dân vào sân bay còn phải nộp thêm các loại phí như phí vào sân bay, phí đỗ xe... Như vậy, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải "gánh" trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

"Theo quy định pháp luật phí và lệ phí, đối với chuyến bay của Việt Nam hạ cánh hoặc cất cánh tại các sân bay trong nước chỉ phải nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay (theo Thông tư số 247, ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính) với mức phí: 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không", lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho hay.

hang-khong5.jpg
Hiện nay, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Ảnh minh hoạ.

Thông tin thêm về nội dung này, đại diện Cục Quản lý giá cho biết: Tại khoản 2 Điều 9 Luật số 66/2006/QH11 về hàng không dân dụng và khoản 3 Điều 1 Luật hàng không dân dụng Việt Nam số 61/2014/QH13 ngày 21/11/2014 quy định: (1) Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng; (2) Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, theo thẩm quyền, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 53, ngày 31/12/2019 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Đồng thời, Bộ GTVT (Cục Hàng không dân dụng Việt Nam) tiếp nhận kê khai giá đối với lĩnh vực giá dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa do Bộ GTVT định giá tối đa…

Đối với giá vé dịch vụ vận chuyển hàng không: theo thẩm quyền, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 34, ngày 30/11/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2024) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17, ngày 3/5/2019 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không trên các đường bay nội địa,…

Như vậy, việc quản lý nhà nước về giá và ban hành quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không; giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé

Chia sẻ về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho hay: Khi phí sân bay quá nhiều, quá cao như hiện nay, giá vé máy bay buộc phải đẩy cao lên, khách đi máy bay, khách du lịch cả trong nước và quốc tế vì thế cũng ít đi. Điều này không chỉ khiến các hãng hàng không thiệt hại mà chính cảng hàng không cũng thâm hụt nguồn thu.

"Hơn nữa, vé máy bay cao, khách du lịch giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Cảng HKQT Nội Bài, do lượng khách đông, sân bay chính thức áp dụng biện pháp tăng cường an ninh cấp độ 1 phục vụ cao điểm nghỉ lễ bắt đầu từ hôm nay đến 1/5.
Bộ GTVT yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định. Ảnh minh họa.

Nói về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích, thay vì phân loại quá nhiều loại phí, chúng ta chỉ cần quy định gọn 2 loại. Đó là phí theo chuyến bay gồm phí cất hạ cánh tại sân bay và phí phục vụ hành khách tại sân bay.

Trước đó, Bộ GTVT cho hay, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.

Do đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không.

"Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có); đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để tình trạng tăng giá vé trái quy định", Bộ GTVT khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá vé máy bay tăng cao có phải do 'gánh' nhiều thuế, phí?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO