Nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ đỗ xe của người dân, Hà Nội đã xác định hàng loạt vị trí quy hoạch làm bãi, điểm đỗ xe. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng các bãi đỗ xe này rất chậm vì vậy cần những cơ chế đặc thù, khuyến khích hơn nữa để giải bài toán giao thông tĩnh giúp gỡ khó cho vấn đề ùn tắc giao thông.
Vẫn chưa đến 10% quỹ đất cho giao thông tĩnh
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy), chưa kể lượng xe ngoại tỉnh ra, vào TP hằng ngày. Tốc độ tăng số lượng ô tô là khoảng 10,2%/năm và xe máy là khoảng 6,7%/năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là hệ thống giao thông tĩnh (bãi, điểm đỗ xe công cộng) mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe.
Thiếu chỗ đỗ xe nhất là khu vực nội đô đã gây ra nhiều phiền toái cho người dân. Anh Nguyễn Văn Cường ở Đông Anh cho biết: “Mỗi lần có việc phải lên khu vực trung tâm giao dịch là mỗi lần cực hình. Đi xe máy thì xa, mà đi ô tô thì không biết gửi chỗ nào. Có lần tôi đi ô tô lên hồ Hoàn Kiếm nhưng lòng vòng mấy dãy phố không tìm được nơi đỗ xe, cuối cùng phải ra gửi tại bãi đỗ xe Trần Nhật Duật rồi bắt taxi ngược lại. Từ lần ấy, mỗi khi cần lên phố tôi đều đi taxi nhưng có những lúc cũng cần đi bằng chính phương tiện của mình, nhưng cũng đành phải chấp nhận sự bất tiện này”.
Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ, thương mại và sản xuất Aloprint (quận Hoàng Mai) Nguyễn Hồng Quân chia sẻ: Tôi rất ngại hẹn đối tác ở khu vực trung tâm thành phố vì rất khó để tìm được chỗ gửi xe ô tô.
Trước thực trạng thiếu chỗ đỗ xe trầm trọng, tại nhiều tuyến đường, phố trung tâm, như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hàng Trống, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt,… một phần lòng đường, vỉa hè đang được sử dụng làm điểm đỗ xe. Song, việc làm này cũng không giải quyết được bao nhiêu mà chỉ góp phần gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông mà thôi.
Cần thêm cơ chế đặc thù
Nhằm đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân, cuối năm 2018, tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã thông qua Nghị quyết “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, Hà Nội xác định 1.480 vị trí (khoảng 1.200,71ha đất) quy hoạch làm bãi đỗ xe công cộng. Song đến nay, việc triển khai xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận đã quy hoạch diện tích đất khoảng 16,62 ha làm bãi đỗ xe trong đó bố trí 15 vị trí làm bãi đỗ xe ngầm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 2/27 vị trí đã triển khai và đưa vào khai thác. Tương tự, quận Hoàng Mai có 41,78ha đất được quy hoạch làm bãi đỗ xe với 83 vị trí. Song, theo Phó Chủ tịch UBND quận Đỗ Thanh Tùng, đến nay mới có 3 điểm đi vào hoạt động; 11 điểm đang thực hiện hoặc triển khai thủ tục đầu tư, 6 điểm đang mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, còn lại 63 điểm chưa có nhà đầu tư. Trong khi đó, tại quận Hoàn Kiếm, do thiếu quỹ đất nên trên địa bàn quận chỉ quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe ngầm, dự kiến tại Vườn hoa Phùng Hưng, Vườn hoa Bác Cổ, quảng trường trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước... Đã có một số nhà đầu tư đăng ký, song đến nay các dự án này vẫn án binh bất động.
Nói về lý do khiến nhà đầu tư không mặn mà đầu tư vào các bãi đỗ xe, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Đức Nghĩa cho biết, hiện nay hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi, dẫn đến kéo dài thời gian lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư. Hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án bãi đỗ xe gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt kinh phí đầu tư các dự án bãi đỗ xe ngầm và tự động cao tầng rất lớn, dẫn đến kéo dài thời gian thu hồi vốn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút nhà đầu tư tham gia xây dựng bãi đỗ xe, mới đây UBND TP Hà Nội đã trình và được HĐND TP thông qua một số chính sách, như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất bãi đỗ xe trong 10 năm đầu; hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe; nhà đầu tư được sử dụng tối đa 30% diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án để khai thác thương mại...
Để kéo nhà đầu tư vào lĩnh vực này, Sở Giao thông vận tải cho biết, đã nghiên cứu, ban hành một số chính sách như, cho phép nhà đầu tư bán một số suất chỗ gửi xe sau khi đầu tư xong nhưng sẽ không cho phép khai thác các bãi trông giữ xe tạm thời trong bán kính 500m và xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn có thể yên tâm đầu tư vào xây dựng các bãi trông giữ xe.
Nhiều chuyên gia quản lý đô thị nhận định rằng, Hà Nội cần phải đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm.