Hàng nghìn giáo viên (GV) nghỉ việc, chuyển công tác thời gian qua ở các địa phương trên cả nước đặt ra thách thức với ngành Giáo dục, làm sao để sớm khắc phục tình trạng này?
Khó khăn chồng chất
Một thực trạng đáng lo ngại đã xuất hiện trong năm 2022 và rải rác những năm trước đó là tình trạng GV xin nghỉ việc do thu nhập thấp, áp lực công việc nhiều…
Hiện, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức được giữ nguyên ở mức 1.490 000 đồng trong 4 năm qua, trong khi giá cả thị trường đã tăng lên nhiều khiến đời sống của nhiều GV gặp khó khăn. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 ập đến càng khiến cho đời sống một bộ phận GV khó chồng khó, xoay xở đủ đường vẫn không đủ sống nên phải xin nghỉ.
Thống kê tại Hải Phòng, ở cả 3 cấp học vẫn còn tình trạng thiếu GV, trong đó cấp tiểu học thiếu 589 GV, THCS thiếu 363 GV và THPT thiếu 135 GV. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là do đội ngũ GV nghỉ việc, thôi việc có xu hướng tăng lên dẫn đến tình trạng GV thiếu hụt tiếp tục tăng lên.
Báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nêu số liệu 1.030 GV xin thôi việc, chuyển công tác trong năm 2022.
Tại TPHCM, thống kê trong 3 năm học (từ năm học 2020-2021 đến nay), đã có tổng cộng 219 cán bộ quản lý, 2.483 GV rời khỏi ngành Giáo dục.
Còn theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Điện Biên, năm học 2020-2021 có 45 GV xin việc, năm học 2021-2022 có 64 GV xin nghỉ việc.
Tại Kon Tum, từ năm 2020 đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 161 GV nghỉ việc (gồm 104 GV mầm non, 30 GV tiểu học, 19 GV THCS và 8 GV THPT).
Thống kê cho thấy, cả nước có 16.000 GV nghỉ việc (tương đương với 1% GV trên cả nước). Cùng với những khó khăn trong việc tuyển mới GV khiến cho nỗi lo về đội ngũ đặt ra quyết liệt với ngành Giáo dục cả nước.
Nơi nào có học sinh là phải có GV - là điều kiện tiên quyết để dạy và học. Khi một GV nghỉ việc là một thách thức lớn với nhà trường, bởi không thể ngay lập tức được phê duyệt chỉ tiêu mới hay ký hợp đồng giảng dạy với GV mới. Khi đó, những thầy cô còn lại sẽ phải tăng thêm số tiết, áp lực đã nhiều nay càng chồng chất hơn khiến một bộ phận GV nản lòng. Làm sao để giữ được đội ngũ GV là câu chuyện không mới và giải pháp cũng đã được nhiều lần nhắc đến, đó là “khi nào GV sống được bằng lương?”. Câu hỏi cũng là trăn trở của nhiều tư lệnh ngành Giáo dục qua các thời kỳ, của nhiều cán bộ quản lý, GV, nhân viên các nhà trường đến nay vẫn chưa có lời giải triệt để.
Tăng lương, tăng phụ cấp
Một nghịch lý đó là, trong khi nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường chật vật xin việc đúng chuyên ngành thì người trong cuộc lại xin nghỉ, chuyển việc. Bức tranh này chắc chắn có tác động không nhỏ đến việc lựa chọn ngành nghề của học sinh THPT hiện nay, bởi một trong những yếu tố để thí sinh cân nhắc đó là cơ hội việc làm và mức lương bên cạnh nguyện vọng sở thích, môi trường làm việc. Để thu hút người giỏi đầu quân vào sư phạm, để GV đang giảng dạy chuyên tâm bám trụ với nghề, cần triển khai các giải pháp đồng bộ để góp phần thay đổi thực trạng hiện nay.
Từ ngày 1/7/2023, tiền lương GV các cấp sẽ được điều chỉnh tăng theo mức lương cơ sở mới. Vui với niềm vui này, nhiều ý kiến cũng lo ngại về việc “lương chưa tăng, giá đã tăng” như thực tế nhiều lần tăng lương cơ sở trước đây đã từng xảy ra. Vì vậy, cần có thêm những động lực khác để GV không còn phải “ngày lên lớp, tối bán hàng online” để lo cho cuộc sống.
Hiện Bộ GDĐT dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Theo đó, dự thảo đề xuất quy định về 8 mức phụ cấp từ 25% tới 100% gắn với từng đối tượng giáo viên đang công tác trong ngành. Hiện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) đang phối hợp với Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) đánh giá mức phụ cấp so với mức lương cơ bản để có căn cứ, cơ sở điều chỉnh.
Một trong những giải pháp được cử tri tỉnh Tuyên Quang đề xuất, đó là thực hiện cấp lương và phụ cấp theo lương cho GV theo định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục do Bộ GDĐT quy định, không cấp theo số GV được giao trong chỉ tiêu biên chế. Lý do là vì hiện nay nhiều cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đều thiếu GV theo định mức quy định, nhưng lại không có kinh phí để chi trả tiền dạy thêm giờ cho GV.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết: Để bảo đảm số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Bộ GDĐT đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo tuyển dụng đủ số lượng GV trong nhà trường theo định mức quy định. Trong trường hợp chưa đủ số lượng người làm việc theo định mức quy định được cấp kinh phí để hợp đồng GV, sắp xếp để GV dạy thêm giờ theo đúng quy định.
Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM, cần phải có chính sách hỗ trợ giáo dục tiểu học để giữ chân và thu hút được đội ngũ giáo viên, trong đó cần phải tập trung về mặt tài chính vì cơ chế rất khó. “Cần phải xây dựng nghị quyết HĐND về hỗ trợ chính sách giáo dục tiểu học. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí để các trường có đủ điều kiện tăng lương, tăng thu nhập cho giáo viên” - ông Nam đề xuất.