Giải bài toán khó

Lê Anh Đức 18/01/2017 08:50

Ai cũng nói vấn nạn ùn tắc giao thông của Hà Nội hiện đang là một bài toán vô cùng hóc búa, khó có lời giải. Khó là đương nhiên rồi. Chẳng thế mà bao nhiêu năm qua, dù người nào ở cương vị Chủ tịch thành phố cũng đau đầu về việc này, nếu không muốn nói “căn bệnh” ngày càng trầm kha. Song, dù khó đến đâu thì tới đây chính quyền Hà Nội cũng phải giải quyết cho bằng được, đó là lệnh của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đại diện nhiều bộ, ngành đã có buổi làm việc để nghe lãnh đạo UBND TP Hà Nội trình bày về thực trạng cũng như hướng giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Thủ tướng thực sự cảm thông nỗi bức xúc của người dân bởi trong những ngày qua, vấn nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội ngày càng trở nên trầm trọng. Thủ tướng đã phải thốt lên: Người dân bức xúc là phải, vì thời gian dành để làm việc cơ quan, chăm sóc gia đình thì ít mà thời gian đi trên đường quá nhiều.

Theo báo cáo của lãnh đạo Hà Nội thì trên địa bàn thành phố hiện có tới 41 “điểm đen” về ùn tắc giao thông. Nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ùn tắc giao thông thì có nhiều, song trọng tâm vẫn là vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông và quy hoạch đô thị. Lấy ví dụ: Trong một cái ao nếu thả một lượng cá vừa phải thì sẽ phát triển rất tốt, nhưng nếu nuôi quá nhiều cá sẽ dẫn đến tình trạng thiếu ô xi mà chết ngạt hàng loạt. Từ đó suy ra rằng, trong khi quỹ đất là cố định không “đẻ” thêm được, nhưng lượng người dồn về Hà Nội ngày một đông thì việc quá tải hạ tầng là khó tránh khỏi.

Việc Hà Nội đang ngày càng quá tải đã được minh chứng bằng số liệu của chính HĐND TP Hà Nội, đó là mỗi năm số dân Thủ đô tăng cơ học bằng cả một huyện ngoại thành. Hiện, Hà Nội có tất cả 29 quận, huyện, thị xã trực thuộc, nếu mỗi năm số lượng dân cư tăng cơ học là một huyện thì chẳng mấy mà đạt ngưỡng 100 quận, huyện. Đó là còn chưa kể đến số lượng cư dân tăng tự nhiên hàng năm. Hạ tầng cơ sở xã hội, hạ tầng giao thông thay vì chỉ đáp ứng đủ cho 100 người thì nay phải chịu tải tới 1.000 người thử hỏi làm sao mà không quá tải, không ùn tắc giao thông?

Hay một ví dụ khác trực diện hơn là một con đường theo thiết kế chỉ có thể chịu đựng mật độ giao thông của 10 chiếc ô tô thì nay phải gồng mình gánh hàng trăm chiếc thì lấy đâu chỗ mà tránh nhau, làm sao có thể lưu thông tốt? Vì sao mỗi con đường, ngõ phố lại phải oằn mình tải thêm gấp 10, thậm chí hàng trăm lần mật độ các phương tiện giao thông thì ai chẳng biết. Đó không phải là do chính quyền thành phố đã cấp phép cho xây chung cư cao tầng trong nội đô một cách vô tội vạ đó sao? Người ở trong nội đô nhiều thì đương nhiên mật độ xe phải lớn, phải quá tải dẫn tới ùn tắc, bởi ai chẳng có nhu cầu đi lại, nhất là “nhà có điều kiện” tại sao lại không đi ô tô?

Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ khẳng định hơn một lần khi bàn về các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn trên toàn quốc nói chung. Người đứng đầu Chính phủ từng đặt câu hỏi: Người quá đông, mật độ xe quá lớn trong khi đường sá chật hẹp thì làm sao mà đi lại được? Song, câu hỏi tưởng như đơn giản này lại khiến không chỉ lãnh đạo Hà Nội mà cả lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cũng chưa tìm được lời giải đáp. Trả lời sao được khi mà chính các vị đã cho phép người ta xây quá nhiều chung cư cao tầng trong nội đô, trong khi hạ tầng giao thông còn thiếu sự quan tâm thích đáng?!

Thủ tướng Chính phủ cảm thấy buồn khi mà chỉ riêng việc người dân đưa con đi học đã mất vài tiếng đồng hồ. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân”. Cũng bởi lẽ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải đưa ra chỉ lệnh: Không được phép xây chung cư cao tầng trong nội đô khi chưa đảm bảo hạ tầng giao thông. Không chỉ có vậy, ông còn yêu cầu lãnh đạo Hà Nội Tết này nghỉ ít thôi để dành thời gian tập trung giải quyết tốt vấn nạn ùn tắc giao thông.

Thậm chí Thủ tướng đã phải nhắc rằng Hà Nội hãy thành lập tổ công tác chuyên giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông do một Phó Chủ tịch thành phố làm Tổ trưởng, để có thể ứng phó kịp thời với mọi tình huống phát sinh trong dịp Tết Đinh Dậu – 2017. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Hà Nội phải quán triệt quan điểm: Không để người dân nào không thể về quê đón Tết do thiếu phương tiện giao thông, do ùn tắc giao thông.

Đương nhiên là vấn nạn ùn tắc giao thông lâu nay là “căn bệnh” cố hữu và kinh niên, là một bài toán nan giải nên khó có thể trong một sớm một chiều mà giải quyết triệt để, tận gốc của vấn đề. Song, Thủ tướng yêu cầu trước mắt trong dịp Tết Nguyên đán tới đây, lãnh đạo Hà Nội phải đảm bảo giao thông được thông suốt, đồng thời có lộ trình cùng với các giải pháp cụ thể để giải quyết bằng được bài toán ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Theo đó, trong những năm tới, lãnh đạo Hà Nội phải cơ bản hạn chế, chống ùn tắc bằng các biện pháp hết sức cụ thể và tập trung: Khống chế tăng cơ học dân số nhanh trong nội đô, giảm phương tiện cá nhân...

Hy vọng, với chỉ lệnh kiên quyết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tới đây Hà Nội sẽ có những chuyển biến tích cực trong giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, tạo niềm tin cho người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán khó