Sau một thời gian dài chờ đợi, cuối cùng VTV cũng đã đạt được thỏa thuận với đối tác Infront Sports & Media có trụ sở ở Singapore về bản hợp đồng tường thuật trực tiếp toàn bộ 64 trận đấu diễn ra tại World Cup 2018 trong ít ngày tới. Câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam lại luôn gặp khó khăn khi mua bản quyền truyền hình như vậy, khi tình yêu bóng đá của người dân không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Một tập đoàn lớn đã quyết định chống lưng, giúp đài truyền hình Việt Nam “chốt hạ” vụ mua bản quyền truyền hình với đối tác Infront Sports & Media. Được biết, tập đoàn lớn này đã tài trợ miễn phí cho VTV số tiền 5 triệu USD (tương đương 115 tỉ đồng), để VTV đủ tiền mua bản quyền World Cup.
Với việc được chia sẻ gần một nửa gánh nặng, việc VTV chốt mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là kết quả sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng của VTV với nhà cung cấp bản quyền truyển hình World Cup.
Như vậy, Việt Nam là quốc gia cuối cùng trên thế giới mua được bản quyền World Cup 2018.
Trước đó, nhiều người đã chuẩn bị tới các phương án xem World Cup “lậu” trên internet, thậm chí lên phương án sang… Lào, Campuchia để xem World Cup kết hợp du lịch.
Như thừa nhận của vị lãnh đạo VTV, chưa bao giờ VTV gặp khó khăn khi đàm phán với đối tác như kỳ World Cup này. Vướng mắc lớn nhất, vẫn là vấn đề tài chính, khi mà đối tác “hét giá” quá cao.
Có thời điểm VTV tưởng như đã buông bản quyền truyền hình World Cup. Điều này hoàn toàn hợp lẽ và nên thế khi mà được một lãnh đạo khẳng định, nếu làm điều ấy nhà đài sẽ lỗ 90%. World Cup đúng là một món ăn tinh thần, nhưng để mang món ăn được cả thế giới cùng thưởng thức, về Việt Nam, thì hẳn thuộc về phạm trù kinh doanh.
Nhưng, thật chạnh lòng, rồi lại thêm cả nỗi băn khoăn, lúc này đây khắp thiên hạ đều đã lên lịch phát sóng cụ thể từng trận đấu, VTV mới vừa đàm phán xong, và Việt Nam là quốc gia cuối cùng trong số 219 nước và vùng lãnh thổ có bản quyền truyền hình World Cup.
Theo dõi tình hình danh sách các kênh, quốc gia phát sóng World Cup 2018 được cập nhật trên nhiều các phương tiện truyền thông khác nhau, mới thấy việc VTV “một mình một ngựa” đàm phán với đối tác đã gặp nhiều bất lợi, chưa kể gặp khó về tài chính.
Tại Thái Lan, có 9 công ty đã chung tay chi 1,4 tỷ baht (tương đương 43,6 triệu USD) để người dân đất nước này được xem miễn phí World Cup 2018, trên 2 kênh Amarin TV và True.
Ở Malaysia, chính phủ chi ra 10 triệu USD (thực tế là tiền từ doanh nghiệp và tiền từ người dân đóng thuế) để phát sóng miễn phí 41 trận, trong đó có 27 trận được truyền hình trực tiếp, bao gồm trận khai mạc, 2 trận bán kết và chung kết.
Trong khi đó, khoản chi phí mà Singapore bỏ ra để mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 là 25 triệu USD Sing, tương đương 18,6 triệu USD. Giải đấu ở Nga cũng là lần đầu tiên đánh dấu 3 đơn vị Singtel, StarHub và Mediacorp bắt tay nhau cùng làm ăn.
Như vậy, mấu chốt ở đây là câu chuyện kinh doanh. VTV vẫn đang gặp khó khi đứng trước lựa chọn mục đích thương mại hay phục vụ người dân. Nếu vì thương mại, thì VTV vẫn làm theo kiểu nửa vời, chỉ trông chờ vào quảng cáo và chia sẻ với các đài trong nước, mà đó là nguồn thu không dễ trong bối cảnh bản quyền truyền hình chỉ được chốt lại chỉ vài ngày trước khi World Cup khởi tranh.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, đến khi nào người dân Việt Nam vẫn còn thói quen xem truyền hình không phải trả tiền, thì các đài vẫn sẽ khó có thể hoàn thành tốt sứ mệnh phục vụ của mình. Trong khi đó, việc kêu gọi tài trợ như trường hợp một doanh nghiệp bỏ ra 5 triệu USD giúp VTV vụ mua bản quyền lần này, không phải lúc nào cũng may mắn như vậy.