Thực trạng “sông, biển nuốt làng” đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, sinh hoạt, của cải của người dân khu vực Trung Trung Bộ. Nhất là trước mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở ven sông, ven biển khiến người dân ở nơi “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” này thêm phần lo âu. Cần có giải pháp dài hơi để những dòng sông không còn là nỗi ám ảnh của người dân vùng “rốn lũ”.
Sau mỗi trận lũ, người dân vùng núi huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ (Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng bất an bởi nơi đây “sông nuốt đất” ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt, của cải người dân. Những “rốn lũ” của Hà Tĩnh sắp bước vào mùa mưa lũ mới, trong khi tình trạng sạt lở ven sông vẫn đang “đe dọa” nhiều làng mạc.
Sự “hung dữ” của dòng Ngàn Sâu
Dòng sông bên lở bên bồi, khi dữ dội, lúc lại dịu êm. Sống ven sông thuận lợi trong tưới tiêu, phục vụ sản xuất nhưng nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn, đe dọa tính mạng, của cải người dân. Huyện Hương Khê có 3 dòng sông chính, Ngàn Sâu, sông Tiêm và sông Rào Nổ.
Hầu hết các sông trên địa bàn huyện này có lòng sông hẹp, độ uốn khúc lớn, nên mỗi năm, sau mỗi trận mưa lũ, sạt lở thêm phần nghiêm trọng. Sinh ra và lớn lên bên dòng Ngàn Sâu ở thôn Tân Hội, xã Hương Trạch (huyện Hương Khê), lại cách nhà máy thủy điện Hố Hô chỉ 10km, ông Thái Dương Hữu chứng kiến không biết bao nhiêu cơn lũ chảy qua cuộc đời mình và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều thế hệ trong gia đình.
Ông cũng tận mắt nhìn nước lũ cuồn cuộn cuốn theo hàng trăm khối đất đá phía sau vườn nhà. “Cả vườn cây gió trầm của gia đình tôi rộng hơn 100 m2 đã trôi theo nước sông Ngàn Sâu từ lâu. Đất vườn từ bờ sông vào móng nhà ban đầu cách hơn 10m, giờ chỉ còn lại hơn 5m. Tiền của trôi theo sông nước không biết bao nhiêu mà kể” - ông Hữu nói.
Theo ông Hữu, nhà ông ở gần thủy điện Hố Hô, mỗi khi nhà máy này xả lũ, nhà ông đều ngập trong nước lũ, bao nhiêu của cải, đất đá cuốn theo dòng xoáy của nước lũ. Cả đời làm lụng vất vả chăm bón cho vườn tược, chỉ cần trận lũ xảy ra, gia đình ông lại trắng tay. Vợ ông Hữu là bà Nguyễn Thị Hồng Xuân nói thêm: “Giờ nhìn sau vườn giống như bom bỏ, nền đất yếu dần, nếu không có kè chắn thì sớm muộn cũng ảnh hưởng đến căn nhà chúng tôi đang ở”.
Cách gia đình ông Hữu, bà Xuân vài chục mét ngôi nhà của ông Phan Ngọc Dung, tình trạng sạt lở sau vườn còn nghiêm trọng hơn. Điểm sạt lở sâu nhất chỉ cách căn nhà cấp 4 của gia đình ông Dung chưa đầy 4m, nhiều gốc bưởi Phúc Trạch trong vườn trơ rễ, nằm chênh vênh bên dòng Ngàn Sâu. Nguy cơ “sông nuốt chửng” nhà dân có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiện dọc sông Ngàn Sâu có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Đặc biệt, đoạn qua xã Hương Trạch sạt lở nghiêm trọng có chiều dài gần 600m, còn tại xã Hương Đô dài hơn 1.100 m. Cuối năm 2021, UBND huyện Hương Khê đã phê duyệt thiết kế xây dựng công trình chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua 2 xã này với tổng mức đầu tư hơn 81 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nguồn để triển khai xây dựng, trong khi mùa mưa lũ 2022 đang đến gần.
Ngoài ra, với địa hình dốc và chảy xiết, hệ thống đê kè một số nơi chưa được hoàn thiện nên mỗi năm bờ sông Ngàn Sâu lại tiếp tục sạt lở và tạo ra nhiều hàm ếch nguy hiểm.
Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, trong những năm qua, Trung ương và tỉnh đã quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều công trình, trong đó có 10 tuyến kè chống sạt lở bờ sông, với tổng chiều dài trên 12,5km trên địa bàn các xã Lộc Yên, Hương Trạch, Phúc Trạch, Gia Phố, Hòa Hải, Hương Vĩnh, Điền Mỹ.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều vùng xung yếu bị sạt lở ảnh hưởng đến đất ở, đất sản xuất và hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng điểm như: Hương Đô, Hương Xuân, Gia Phố, Hương Thủy, Điền Mỹ, Lộc Yên,….
“Để chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã xây dựng phương án sơ tán dân phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đối với các hộ có nguy cơ mất an toàn cao, đã tuyên truyền, vận động hộ dân di dời đến nơi an toàn. Đối với các điểm xung yếu còn lại chỉ đạo UBND các xã tổ chức cắm biển cánh báo nguy hiểm và thường xuyên theo dõi diễn biến để triển khai phương án sơ tán dân khi cần thiết”, ông Kỳ cho biết.
Nhiều nơi chưa yên
Không chỉ “rốn lũ” Hương Khê mà bước vào mùa mưa bão, người dân miền núi các huyện Vũ Quang, Đức Thọ… ở tỉnh Hà Tĩnh cũng chung tâm trạng thấp thỏm trước tình trạng sạt lở đất. Những ngôi nhà, đường xá, ruộng vườn bị đất đá vùi lấp trở thành nỗi ám ảnh và đeo bám năm này qua năm khác.
Ông Trần Đình Tứ (70 tuổi, trú tại xóm 2 Văn Giang, xã Đức Giang, Vũ Quang) cho hay, việc sông ăn lấn vào nhà dân đã xảy ra từ những năm 2010, mỗi lần vào mùa mưa lũ, hai bên bờ đất đá cứ như vậy theo dòng nước rồi đẩy xuống lòng sông Ngàn Sâu.
“Cứ đến đợt mưa lũ, những hộ dân sống gần bờ sông Ngàn Sâu như chúng tôi lại thấp thỏm, đôi khi đang ngủ ngon giấc nghe tiếng sóng nước đập vào bờ rồi kéo theo đất đá xuống lòng sông khiến ai cũng giật mình” - ông Tứ tâm sự.
Ông Nguyễn Minh Vinh - Chủ tịch UBND xã Đức Giang (huyện Vũ Quang) cho biết, sau khi xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại xóm 2 Văn Giang, chính quyền địa phương cũng đã báo cáo lên UBND huyện Vũ Quang và có nhiều đoàn về khảo sát. Tuy nhiên, kinh phí để xây dựng bờ kè quá lớn. “Để đảm bảo an toàn cho người dân, cứ đến mùa mưa lũ, chúng tôi thông báo và túc trực thường xuyên, đồng thời triển khai phương án di dời người dân đến ngay nơi an toàn” - ông Vinh nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Nguyễn Thanh Sơn cho biết, trước tình hình thiên tai, thời tiết ngày càng có nhiều bất thường, lãnh đạo huyện luôn theo sát và chỉ đạo các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan; luôn trong tâm thế chủ động ứng phó.
Tình trạng sạt lở ở huyện Đức Thọ, nơi có sông La chảy qua cũng báo động. Khu vực Làng Soi (thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ) tình trạng sạt lở khiến cho ngôi làng này đang đứng trước nguy cơ bị “xoá sổ”. Làng Soi vốn là một bãi đất nhô lên, chia dòng sông La làm 2 nhánh, rồi hợp lại về phía cuối bãi. Đầu nguồn bãi Soi là bến Tam Soa, nơi gặp nhau của 2 dòng sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu.
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở ở Làng Soi. Trong đó, yếu tố thời tiết vào mùa mưa lũ chỉ là một phần, phần còn lại là do tình trạng khai thác cát trái phép tại địa phương đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa được xử lý triệt để.
Hà Tĩnh là địa phương có nhiều sông suối, địa hình đồi núi dốc, trung bình trên 20 độ, nhiều nơi có độ dốc 40 độ, bên cạnh hoạt động địa chất khiến đất đá bở, liên kết yếu. Mưa lũ thường xuyên kéo dài làm biến đổi dòng chảy càng khiến cho tình trạng sạt lở đất ở Hà Tĩnh diễn ra nhiều nơi từ vùng đồi núi đến sông suối.