Mỗi mùa mưa bão về, người dân ven sông Gianh (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) lại nơm nớp nỗi lo sạt lở bờ sông. Những mảnh đất canh tác hay những căn nhà trước đây cách xa bờ thì nay lại nằm cheo leo cạnh bờ sông.
Ám ảnh
Cứ đến mùa mưa bão, người dân tại nhiều địa phương nằm ven sông Gianh lại bất an với thực trạng sạt lở. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, tại các đoạn sông chảy qua địa bàn xã Tiến Hóa và xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), tình trạng sạt lở xảy ra ngày càng nghiêm trọng, mỗi năm thiên tai lấy đi của nơi đây nhiều hecta đất sản xuất, đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân.
Chúng tôi có mặt tại xã Tiến Hóa, nơi có tình trạng sạt lở nghiêm trọng, tận mắt chứng kiến nỗi lo lắng của người dân và chính quyền địa phương khi mùa mưa lũ đang cận kề. Nỗi lo hiện hữu trên những phần ruộng bãi còn lại bị dòng sông cuốn mất, những căn nhà trước đây nằm sâu trong đất liền thì nay chênh vênh cạnh bờ sông dựng đứng.
Nhiều người dân sinh sống gần khu vực này nhận định, tình trạng sạt lở bờ sông Gianh ngày một nhiều một phần là do tình hình biến đổi khí hậu khiến mưa lũ gia tăng và một phần là hậu quả từ các hoạt động dân sinh, khai thác cát, sỏi quá mức. Hàng loạt thuyền bè hút cát nối đuôi nhau khai thác khiến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nặng nề.
Thẫn thờ nhìn về hướng mảnh đất đã bị dòng sông cuốn mất, anh Hoàng Văn Thành (xã Tiến Hoá) cho biết, năm 2021 gia đình tôi đang ngồi ăn cơm thì bỗng nghe tiếng lở đất bờ sông, đêm hôm đó cả nhà đứng ngồi không yên, móng nhà tôi bây giờ bị sông Gianh ăn sát, hơn 5 mét đất canh tác trước nhà nay cũng không còn. Sau khi mùa mưa bão kết thúc, UBND xã đã đến đánh giá mức độ nghiêm trọng và xây dựng cho gia đình một kè bao quanh để ngăn chặn tình trạng sạt lở.
“Ở đây có hàng loạt đơn vị khai thác cát, họ hoạt động cả ngày lẫn đêm, các bãi tập kết cát dọc sông Gianh. Khai thác gần bờ cũng có, hút giữa sông cũng có nên mỗi mùa mưa bão về là chúng tôi cùng các hộ dân nơi đây rất lo lắng” - anh Thành cho biết.
Còn tại xã Mai Hóa, tình trạng sạt lở cũng đang đe dọa cuộc sống của người dân. Hiện trên địa bàn xã có hơn 30 hộ dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc sạt lở bờ sông Gianh. Nhiều hộ dân nơm nớp lo sợ tính mạng, tài sản của mình khi bờ sông không ngừng sạt lở. Họ không biết khi nào dòng nước lũ sẽ “nuốt” hết phần đất sinh sống, sản xuất của mình. Vậy nên chỉ cần xuất hiện những trận mưa lớn, lũ về là các hộ dân nhanh chóng sơ tán đến nơi an toàn.
Nhà nằm cách điểm sạt lở năm trước vài bước chân, bà Nguyễn Thị Lự (65 tuổi, thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa) cho hay, nhà của bà đến nay đã bị sập 3 lần vì lũ cuốn, hơn 5 mét đất trồng trọt phía sau nhà cũng bị trận lũ năm 2021 cuốn mất, cứ mỗi lần lũ qua, lại phải mua đất để đắp bù lại mới trồng được rau màu.
“Năm nay, lo sợ lũ về, nhà tôi đã chuẩn bị gạch để đắp xung quanh, hạn chế sự xói lở, chỉ mong chính quyền quan tâm xây dựng một đoạn kè để mỗi lần lũ về chúng tôi có thể yên tâm ở lại trong chính căn nhà của mình” - bà Lự bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề xây dựng kè chống sạt lở sông Gianh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Mai Hoá cho biết: “Tuy mùa mưa bão đã cận kề, nhưng xã vẫn chưa có chủ trương, đề án để xây dựng bờ kè. Hiện nay, trên địa bàn có hơn 30 hộ dân đang sống trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở trên chiều dài khoảng 800m. Với nguồn lực của xã thì rất khó để có thể xây mới và sửa chữa kè chống sạt lở. Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, chúng tôi sẽ lên phương án di dời bà con tới nơi ở tạm thời, tránh mất đất và mất người”.
Loay hoay tìm giải pháp
Trước mỗi mùa mưa bão, huyện Tuyên Hoá thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch di dời, sơ tán dân; xây dựng phương án phòng, chống siêu bão; tổ chức các lực lượng tình nguyện, xung kích trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng, kiểm tra nhà cửa để có kế hoạch duy tu trước mùa mưa bão.
Trên cơ sở bám sát điều kiện thực tiễn, huyện Tuyên Hóa cũng có kế hoạch bố trí cụ thể các địa điểm và phương án để sơ tán, di dời dân tại các khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai, khu vực có khả năng xảy ra sạt lở đất bờ sông, lũ ống, lũ quét ở các xã Thuận Hoá, Đức Hóa, Tiến Hóa và Mai Hóa. Lên phương án di dời dân khi có triều cường và khu vực hạ du khi có sự cố hồ đập bị vỡ; phương án neo đậu tàu thuyền.
Bên cạnh đó, huyện Tuyên Hóa cũng đã chuẩn bị các phương tiện, vật tư cần thiết, như: xuồng cao tốc, thuyền máy, nhà bạt, áo phao cứu sinh, máy phát điện…, nhằm chủ động cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức kiểm tra, nâng cấp định kỳ các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, giao thông, thông tin, điện lực. Đẩy nhanh tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai trên cơ sở bảo đảm tiến độ vượt lũ.
Trong đó, có thể kể đến công trình sửa chữa, nâng cấp đường, kè chống sạt lở bờ sông Gianh đoạn qua xã Đức Hóa, Phong Hóa đang được hoàn thành đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão góp phần chống xói lở, giữ ổn định bờ sông, bảo vệ tính mạng, tài sản của các hộ dân, bảo vệ diện tích đất đai và cơ sở hạ tầng trong khu vực.
Được biết, chỉ trong năm 2021, trên địa bàn huyện Tuyên Hoá đã xảy ra hàng loạt điểm sạt lở, trong đó tuyến đê sông Gianh qua đoạn xã Thuận Hoá, Đức Hóa, Tiến Hóa có tổng chiều dài bị sạt hơn 1.000m.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá cho biết: “Trước mùa mưa bão, chúng tôi xuống thực địa rà soát những điểm sạt lở để cảnh báo cho người dân chủ động ứng phó, đồng thời giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, xây dựng phương án phòng tránh, chuẩn bị kỹ theo phương châm “4 tại chỗ” và thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp nhịp nhàng khi có tình huống xấu và phức tạp. Đối với những điểm sạt lở nghiêm trọng và có nguy cơ tiếp tục sạt lở ,huyện đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ di dời bà con và có phương án xây dựng đê kè”.
(còn nữa)