Giải bài toán thiếu trường học ở Hà Nội

Hàn Minh 31/10/2023 07:59

Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội tăng thêm 40.000-50.000 học sinh. Bên cạnh việc xây mới trường học, cần linh hoạt các giải pháp để đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Học sinh tiểu học ở phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngày khai giảng.

Áp lực nhiều phía

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, tính theo số học sinh và quy mô trường lớp, về cơ bản Hà Nội không thiếu trường học. Vấn đề thiếu trường lớp chỉ xảy ra cục bộ tại một số địa bàn đông dân cư. Cụ thể, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, 8 quận Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai thiếu 49 trường.

Hoàng Mai là quận đông dân với khoảng 700 nghìn người, trong đó hơn 100 nghìn trẻ em trong độ tuổi đi học, mỗi năm trung bình tăng cơ học khoảng 4.000 trẻ. Trong 3 năm qua, quận đã triển khai xây dựng mới 23 trường học, cải tạo 25 trường học để tăng số lượng lớp học. Tuy nhiên quận Hoàng Mai vẫn thiếu 43 trường học.

Phường Hoàng Liệt là điểm nóng từng diễn ra việc bốc thăm suất học trường mầm non. Dân số phường hơn 80.000 người, hằng năm có 1.500 - 1.800 trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, phường chỉ có 1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS. Nếu theo quy định về số học sinh/lớp, Hoàng Liệt đang thiếu 36 trường (22 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 1 trường THCS).

Sự phân bố dân cư không đồng đều giữa khu vực nội đô và ngoại thành Hà Nội tạo sức ép lớn về dân số đông lên trường học. Những hệ lụy của việc thiếu trường lớp, sĩ số lớp học đông quá tiêu chuẩn Bộ GDĐT quy định khiến nhiều học sinh không được học tập trong môi trường giáo dục đầy đủ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Không chỉ thiếu trường lớp, việc đảm bảo các chỉ tiêu (số lớp/trường, số học sinh/lớp) ở một số phường, xã, quận nội đô, một số huyện cũng khó khăn. Ông Trần Thế Cương- Giám đốc Sở GDĐT nêu ví dụ, theo quy chuẩn chung, một trường có 45 lớp nhưng tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) có 73 lớp. Thời gian tới đây trường phải tách làm hai.

Tại quận Đống Đa, dù các trường rất chật hẹp vì ở nội đô nhưng nhiều trường đang duy trì 60 lớp, mỗi lớp 40-60 em…

Trường học ít, quá tải khiến công tác tuyển sinh đầu cấp nhiều năm gặp khó khăn, điểm chuẩn vào các trường THPT ở một số địa bàn cao khiến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội căng thẳng “hơn thi đại học”.

Cơ chế đặc thù cho địa bàn đặc biệt

Giải pháp trước mắt và lâu dài được nói đến nhiều là ưu tiên quỹ đất xây dựng trường học mới, cải tạo, mở rộng các lớp học đã có. Theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, để thực hiện chủ trương này, cần “quyết liệt di dời” những cơ sở sản xuất, trụ sở bộ, ngành, trường cao đẳng, đại học ra ngoại thành theo đúng định hướng của các quy hoạch phân khu nội đô.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm kiến nghị thành phố thu hồi các khu đất chậm triển khai dự án, giao cho quận để xây trường học, cho phép nâng thêm tầng khi xây trường. Về lâu dài, khi TP phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỉ lệ trường công lập ở các khu đô thị.

Quận Cầu Giấy hiện có 102 trường phổ thông, gồm 41 trường công lập và 61 trường ngoài công lập (60%) nhưng số học sinh vào học các trường ngoài công lập chỉ chiếm 5% và chủ yếu là khối mầm non. Thực tế này tạo gánh nặng rất lớn cho các trường công lập. Sự mất cân đối trong khối trường công lập và ngoài công lập đòi hỏi từ chính quyền những giải pháp phù hợp, trong đó không chỉ là việc đẩy mạnh xã hội hóa, mở rộng các trường tư thục mà còn là câu chuyện tạo điều kiện để trường thu hút học sinh.

PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho rằng, Hà Nội nên có cơ chế hỗ trợ hệ thống trường dân lập, tư thục qua việc ưu tiên cho thuê đất, thuê cơ sở vật chất công, giúp giảm học phí, thu hút học sinh.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh, cần có chiến lược thích ứng bên cạnh các mô hình khác nhau để bảo đảm giải pháp mang tính chất ngắn hạn và dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán thiếu trường học ở Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO