Giải bài toán về logistics

THANH GIANG 07/04/2023 06:21

Ngày 6/4, tại TPHCM diễn ra tọa đàm Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa. Tại đây, nhiều ý kiến chỉ ra những hạn chế về hoạt động logistics của vùng và đưa ra giải pháp cụ thể để phát triển.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng hệ thống logistics, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa.

Vừa thiếu vừa yếu

Thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5% cho thấy sức hấp dẫn của ngành này trong tổng thể nền kinh tế. Do đó, dư địa phát triển lĩnh vực này còn rất lớn. Đặc biệt, dư địa phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực tập trung hạ tầng và dịch vụ logistics quan trọng, với hàng chục nghìn doanh nghiệp (DN) lớn nhỏ, đảm nhận phần lớn số lượng hàng hóa và khối lượng hàng container cả nước. Thế nhưng, khi đề cập đến logistics của vùng, nhiều chuyên gia nhấn mạnh: Còn thiếu và yếu.

Ông Đỗ Xuân Minh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ logistics, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận định: “Phát triển logistics tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Nam nói riêng đang gặp một số khó khăn về cơ sở hạ tầng, từ cảng, đường kết nối đến hệ thống kho bãi”. Tại khu vực phía Nam, mặc dù đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua 2 hệ thống cảng TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, song, đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu. Trong khi hệ thống giao thông quá tải, thiếu đường cao tốc gây tình trạng tắc nghẽn, gia tăng chi phí nhân lực, vật lực. Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mặc dù có hệ thống sông thuận lợi cho phát triển phương thức vận tải thủy nội địa, nhưng thực tế, hàng hóa tại khu vực này vẫn phải tập trung về các cảng Đông Nam Bộ để xuất khẩu, gây tốn kém, mất thời gian.

Ông Đặng Vũ Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nhận định, hạ tầng giao thông tại TPHCM nói riêng và cả vùng Ðông Nam Bộ nói chung thiếu tính kết nối, thiếu đồng bộ, gây tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí về logistics của DN. Ông Thành dẫn chứng, Long An chưa đón được tàu lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu chưa đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng cảng cạn, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng và hậu phương sau cảng… thì mục tiêu xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm logistics của cả khu vực sẽ khó hoàn thành.

Thúc đẩy hoàn thiện hệ thống logistics

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong những vùng kinh tế năng động nhất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước với 35% GRDP, hơn 40% thu ngân sách, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Vậy giải bài toán phát triển logistics cho vùng này như thế nào?

Theo giới chuyên gia, để đưa logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, TPHCM và các địa phương cần nhanh chóng “chuyển mình”, chú trọng thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược như đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng cảng hàng không, cảng biển, đường sắt. Thực hiện giải pháp phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp chương trình chuyển đổi số để logistics thật sự phát huy thế mạnh, đóng góp lớn vào cơ cấu phát triển kinh tế cho vùng nói riêng và cả nước nói chung. Phó Chủ tịch VLA Đặng Vũ Thành cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp nên ưu tiên xây dựng trước các công trình giao thông trọng điểm, huyết mạch như tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành; TPHCM - Mộc Bài, hay các dự án kết nối cửa ngõ với 13 tỉnh, thành phố miền Tây Nam Bộ và vùng Ðông Nam Bộ, các tuyến đường vào các cảng biển… hệ thống luồng kênh, rạch chính xung quanh khu vực.

Tham gia trực tiếp trong hoạt động logistics, ông Đỗ Xuân Minh kiến nghị, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi, kết nối khu vực tăng khả năng cạnh tranh thương mại của Việt Nam trên toàn cầu. Song song đó, hỗ trợ các DN trong lĩnh vực logistics nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với các DN trong chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho dịch vụ logistics. Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, DN; giữa các hiệp hội ngành nghề công nghệ thông tin với hội, hiệp hội logistics để tạo hiệu quả cao nhất trong nỗ lực chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, Cục Hải quan TPHCM luôn nhận thức về vai trò và trách nhiệm trong việc phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics của các DN. Đơn cử, các hoạt động cải cách thủ tục hành chính về hải quan, tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí làm thủ tục hải quan cho DN. Từ đó thúc đẩy khai thác tối đa năng lực của các cảng biển, kho bãi, địa điểm nói riêng và cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, góp phần giảm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cảng biển, cảng hàng không.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022 cả nước có hơn 7.000 DN mới thành lập trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, tăng 17% so với năm 2021. Tính chung cả nước có hơn 30.000 DN đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó hơn 5.000 DN cung cấp dịch vụ logistics 3PL. Theo VLA, tỷ lệ DN logistics trong nước chiếm hơn 80%, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các DN nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán về logistics

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO