Cũng như bóng đá, bóng chuyền không nằm ngoài sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, dẫn đến việc có nhiều đội bóng phải tuyên bố giải tán ngay trước thời điểm giải VĐQG 2016 khởi tranh. Bức tranh không mấy sáng sủa đó ít nhiều ảnh hưởng đến sự quan tâm của người hâm mộ và đặc biệt là chất lượng chuyên môn, sự cạnh tranh tại giải đấu được xem là chỉ đứng thứ 2 sau môn thể thao Vua.
Bóng chuyền Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo giải thể.
Khi bóng chuyền thiếu tiền
Chỉ vài ngày trước khi giải VĐQG 2016 khởi tranh, Liên đoàn Bóng chuyền VN thông báo có ít nhất 3 đội bóng xin rút lui, đó là Đức Long Gia Lai (nam), Hòa Phát Hưng Yên, Cao su Bình Phước (nữ). Vẫn biết việc đầu tư cho các đội bóng hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhưng ngay cả đến “đại gia” như Đức Long Gia Lai phải tuyên bố bỏ cuộc chơi mới thấy bóng chuyền Việt Nam “mong manh dễ vỡ” chẳng kém gì bóng đá.
Hẳn người hâm mộ bóng chuyền cả nước đã không khỏi tiếc nuối trước thông tin đội bóng chuyền nam Đức Long Gia Lai bị khai tử, bởi đây là CLB rất mạnh, gặt hái được nhiều thành tích những năm qua. Tiền thân là đội Quân khu 5, cái tên Đức Long Gia Lai trình làng từ năm 2011 và ngay lập tức giành được suất tham dự giải vô địch quốc gia.
Trong 7 năm làm bóng chuyền, ông bầu Bùi Pháp đã tốn không ít tiền của để đưa ĐLGL trở thành một thế lực của làng bóng chuyền cả nước khi ba năm liên tiếp (từ 2012 - 2014) góp mặt trong trận chung kết và vô địch năm 2013. Ở tầm châu lục, Đức Long Gia Lai cũng từng góp mặt trong tốp 11 CLB mạnh nhất châu Á năm 2014.
Một đội bóng có tiềm lực tài chính mạnh, được đầu tư bởi ông bầu chịu chơi, nhưng cuối cùng cũng lao đao khi gặp khó khăn về tài chính. Sau mùa giải 2015 cầm cự, trước giải VĐQG 2016 Đức Long Gia Lai tuyên bố giải tán, khiến hàng chục VĐV bơ vơ.
Trước Đức Long Gia Lai, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nữ Vietso Petro, nữ Dầu khí Thái Bình Dương... cũng lần lượt biến mất trên bản đồ bóng chuyền VN. Rồi ngay trước thềm giải VĐQG, Hòa Phát Hưng Yên, Cao su Bình Phước cũng nói lời chia tay với giải đấu.
Một chuyên gia trong giới bóng chuyền cho biết, dù bóng chuyền không ngốn kinh phí nhiều như bóng đá, nhưng để một đội bóng hoạt động, mỗi năm cũng cần có ít nhất 4-5 tỷ đồng. Số tiền này sẽ trở thành gánh nặng khi công tác xã hội hóa, kêu gọi tài trợ ở các đội bóng chỉ làm cho có và hiệu quả không cao. Riêng khoản thu từ bản quyền truyền hình, bao năm nay bóng chuyền gần như không thu được đồng nào.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến bóng chuyền thoái trào, chính là việc các ông bầu đang dần rút lui, trong khi với nhiều đội lại có cơ chế rất đặc thù. Có một điều lạ là việc nhiều đội bóng giải thể lại khiến Liên đoàn Bóng chuyền VN... vui, bởi các nhà quản lý bóng chuyền nước nhà đang lên kế hoạch rút gọn lại các đội bóng tham dự giải VĐQG xuống còn tám đội.
Đương kim vô địch ngã ngựa ngày ra quân
Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV Gas 2016 sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 9/4 (vòng 1) tại Yên Bái cùng Hải Dương. Sau vòng 1, giải bóng chuyền vô địch quốc gia – Cup Hùng Vương diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ từ ngày 14 đến 17/4. Trong khi đó, vòng 2 cũng như chung kết xếp hạng của giải được tổ chức vào thàng 12 tới.
Theo kết quả bốc thăm, ở bảng A thi đấu tại Yên Bái: Sanet Khánh Hòa cùng bảng với Quân đoàn 4 Becamex, Long An, Thể Công BĐ 15, Bến Tre (nam). Ngân hàng Công thương, VTV Bình Điền Long An, Nữ TP HCM, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh (dành cho nữ). Tại bảng B thi đấu ở Hải Dương gồm: Maseco TP HCM, XSKT Vĩnh Long, Biên Phòng, Tràng An Ninh Bình, Hà Tĩnh, Công an TP HCM (nam). Thông tin LienVietPostBank, Tiến Nông Thanh Hóa, PVD Thái Bình, Rudico Hải Dương, Truyền hình Vĩnh Long (nữ).
Theo đánh giá của giới chuyên môn, ở bảng nữ, sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa những cái tên nổi bật như Ngân hàng Công thương, VTV Bình Điền Long An, Thông tin LVPB. Ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng Công thương và VTV Bình Điền Long An chính là 2 đội bóng có lối chơi hiện đại dựa vào nguồn nhân lực dồi dào và đầy triển vọng.
Sở hữu dàn tấn công giàu kinh nghiệm, dựa vào sức của Nguyễn Xuân, phụ công Kim Huệ, cây chuyền hai Hà Thị Hoa, chưa kể mũi tấn công khá sắc sảo Nguyễn Thu Hòa, Lê Thanh Thúy, libero số 1 VN Bùi Vũ Thanh Tuyền bên cạnh cặp chủ công trẻ đang lên là Đoàn Thị Xuân và Đinh Thị Thúy, Ngân hàng Công Thương sẵn sàng cạnh tranh chức vô địch với các đối thủ.
Trong khi đó, VTV Bình Điền Long An cũng đã 4 năm rồi họ chưa một lần bước lên được bục cao nhất của Giải VĐQG dù trong đội hình vẫn còn đó phụ công đẳng cấp châu Á Nguyễn Thị Ngọc Hoa.
Ở bảng nam, Maseco TP HCM đang đến giải trong tư thế một nhà vô địch. Một ẩn số ở giải năm nay là các chàng trai Biên Phòng. Vẫn những cái tên quen thuộc như: Ngọc Kiên, Hồng Quân, Văn Danh, Vũ Bôn, Công Chiến, Thành Nam… nhưng mùa bóng này đội bóng của HLV Trần Đình Tiền lại có thêm sự góp mặt của tay đập kỳ cựu - chủ công Nguyễn Hữu Hà.
So với hai đội bóng kể trên, Tràng An Ninh Bình có vẻ yếu thế hơn. Mùa giải này, đội bóng Cố Đô vẫn chưa thể nhập tịch thành công ngoại binh người Thái Lan, Kitsada Somkane. Dù vậy, đội bóng này vẫn có thể trở thành đối thủ khó chịu với các đội bóng khác.
Tối 2/4, vòng 1 Giải bóng chuyền VĐQG chính thức khởi tranh, đúng như dự đoán của giới chuyên môn và người hâm mộ, cuộc quyết chiến giữa Ngân hàng Công thương và VTV Bình Điền Long An ngay trong ngày khai mạc Giải bóng chuyền VĐQG diễn ra rất hấp dẫn và kịch tính khiến khán giả thành phố Yên Bái ngất ngây. Sau 5 ván đấu, Ngân hàng Công Thương giành chiến thắng kịch tính 3-2. Ở trận đấu đáng chú ý khác, đương kim vô địch Maseco TP HCM thất bại ngay trận ra quân trước Tràng An Ninh Bình.