Giải cơn 'khát' vốn của doanh nghiệp

H.Hương-M.Sang 17/12/2022 07:42

Đến thời điểm này đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm. Các tổ chức tín dụng khẳng định không để doanh nghiệp (DN) thiếu vốn sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đang cần vốn để phát triển sản xuất.

Ngân hàng đồng hành và chia sẻ

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM cho biết, hiện các DN trong ngành tiếp tục phải đối mặt với lạm phát tăng trên toàn cầu, trong nước khó khăn liên quan thị trường chứng khoán, room tín dụng… khiến chi phí đầu vào của DN sản xuất tăng cao. Từ nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, vật tư đến phí vận chuyển đều tăng; DN nhập khẩu bị thêm tác động của tỷ giá.

"Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vào cuộc kịp thời nhưng lúc này việc tiếp cận vốn của DN vẫn không dễ. Riêng DN lương thực - thực phẩm sản xuất hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng xác định nỗ lực cung ứng cho thị trường Tết và năm 2023. Rất mong ngành ngân hàng nhanh hơn, chia sẻ nhiều hơn cho DN trong tiếp cận vốn” - ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, dẫn trường hợp một DN có 5.000 công nhân mà đứt đơn hàng từ tháng 7 đến nay, không tìm được nguồn. Tình trạng của các DN khác cũng rất khó khăn. Ông Kỳ băn khoăn, nếu trước và sau dịch tiêu chuẩn cho vay như nhau, thì khó khăn của DN vẫn kéo dài.

"Trong vòng 3 tuần tới hoặc kéo dài đến hết tháng 1/2023, việc nền kinh tế hấp thụ được khoảng gần 400.000 tỷ đồng vốn tín dụng đang còn chỉ tiêu là rất khó. Sau dịch, cơ thể ốm yếu cần ôxy, tài chính là ôxy, thiếu ôxy DN không thể khỏe được. Kiến nghị cần thiết kế chính sách đi trước và phải nhanh để các định chế, trong đó có tài chính và ngân hàng đi theo" - ông Kỳ nêu ý kiến.

Đến nay, tín dụng ngân hàng đã tăng trưởng 12%, cung ứng ra nền kinh tế gần 1,4 triệu tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của DN. Việc NHNN vừa nới room tín dụng thêm 1-2%, đồng nghĩa tổng room tín dụng trong thời gian còn lại của năm tương đương 300-400 nghìn tỷ đồng kỳ vọng đưa thêm nguồn vốn đến hỗ trợ cho DN.

Tại hội nghị bàn các giải pháp hỗ trợ DN phát triển sản xuất kinh doanh vừa diễn ra, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Theo ông Tú, không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho DN và người dân. Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, cổ đông phải chia sẻ. Tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đến thời điểm này đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm . Hiện đã có 100% hội viên của Hiệp hội đồng thuận huy động lãi suất tiền gửi cao nhất chỉ ở mức 9,5% trên tất cả các kỳ hạn (bao gồm tất cả các khoản khuyến mại). Việc này sẽ ngăn chặn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng rất đồng thuận giảm lãi suất cho vay tối đa 0,5-2% tùy theo khả năng tài chính của mỗi đơn vị. Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng đã khẳng định không để thiếu vốn cho DN sản xuất kinh doanh đủ điều kiện, kể cả cá nhân.

Doanh nghiệp cần nhiều giải pháp tiếp sức

Theo TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, liên quan chủ đề vốn cho DN cơ bản trong tháng cuối năm và trước Tết, có 2 xu hướng cần quan tâm. Một là, đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm giải quyết, xử lý nhanh những vụ việc phát sinh vừa qua để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. Trong đó, hết sức chú ý vấn đề trái phiếu đáo hạn thời gian tới, nhất là lĩnh vực bất động sản. Không thể dùng tiền ngân sách để can thiệp nhưng phải tạo cơ chế, chính sách cho phù hợp có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ví dụ, việc giãn/ hoãn nợ, hoãn thuế, tăng tiếp cận vốn cho DN… là những giải pháp hoàn toàn nằm trong khả năng để tháo gỡ khó khăn cho DN bất động sản. Bộ Tài chính đang ráo riết sửa đổi Nghị định 65 theo hướng cởi mở hơn.

"Với điều hành tín dụng, cần sớm tiếp cận và có phương pháp gián tiếp nhiều hơn để khả thi, lâu dài. Việc điều hành tăng trưởng tín dụng nên rút kinh nghiệm khi trong 6-7 tháng đầu năm nay tăng trưởng nhanh nên không lường được hết các khó khăn liên quan đầu tư công rồi "phanh" lại. Tuy nhiên, cần cân nhắc "phanh" như thế nào để không tạo bất ngờ" - ông Lực lưu ý.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, các chương trình hỗ trợ của các ngân hàng thương mại hết sức có ý nghĩa, không chỉ số lãi suất giảm mà quan trọng là xây dựng niềm tin cho DN, khẳng định sự đồng hành của ngân hàng với nền kinh tế. “Khi trao đổi tại cuộc họp với các ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã có phân tích rất đúng bản chất, đó là, các ngân hàng cần xác định, mình có lợi nhuận là nhờ nền kinh tế, bà con, DN, các bên đều có mối quan hệ cộng sinh, khi khó khăn nên chia sẻ, hỗ trợ nhau”- ông Tú nói.

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện hỏa tốc yêu cầu Thống đốc NHNN về việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Theo đó, chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, giúp đỡ người dân, DN; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng cần xây dựng kế hoạch từ đây cuối năm, bao gồm giai đoạn đến Tết Nguyên đán, triển khai các bước tiếp theo hỗ trợ thiết thực cho DN, nền kinh tế. “Các ngân hàng khi cam kết nên công bố công khai lên báo chí, truyền thông, vì đây là vinh dự và trách nhiệm, ngân hàng nào đã cam kết thì cần quyết tâm thực hiện” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải cơn 'khát' vốn của doanh nghiệp