Ngày 16/1,theo kênh CBS News, dù Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ hiếm khi được sử dụng và thường bị bỏ qua, nhưng đây có thể là chìa khóa để ngăn một Tổng thống đảm nhiệm một vị trí công quyền trong tương lai.
Thông tin này càng làm nóng thêm những đòi hỏi luận tội đối với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi mà theo kế hoạch đến ngày 20/1/2021, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ chính thức làm lễ nhậm chức tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, việc kích hoạt Tu chính án không nhận được ủng hộ từ Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence, cũng có nghĩa là mọi nỗ lực cáo buộc ông Trump vi phạm pháp quyền chưa chắc đã được Thượng viện nước này thông qua.
Cũng cần nhắc lại, trong lần luận tội ông Trump hồi năm 2019, phe Dân chủ đã thất bại khi Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát kết luận ông Trump vô tội (tội lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội). Vì vậy, ông Trump có thể sẽ lại không bị cáo buộc chịu trách nhiệm về cuộc “nổi dậy” ở tòa nhà Quốc hội, ngày 6/1 vừa qua.
Sức ép gia tăng
Về phần mình, ông Donald Trump vẫn không thôi chỉ trích việc đảng Dân chủ xúc tiến luận tội ông tại Quốc hội, nhấn mạnh hành động này “hoàn toàn vô nghĩa”. Trong khi đó, Giám đốc Điều hành an toàn công cộng và an ninh quốc gia Mỹ, ông Derek Maltz, khẳng định không có lý do gì để Tổng thống Trump bị luận tội.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, ông Donald Trump đã chính thức trở thành vị Tổng thống nước Mỹ đầu tiên bị đề nghị luận tội 2 lần trong một nhiệm kỳ (tháng 12/2019 và tháng 1/2021). Với lần thứ 2, ngày 13/1/2021, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, đã điều hành phiên bỏ phiếu luận tội ông Trump, tại Washington.
Theo đó, 1 tuần trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ, tổng cộng có 232 nghị sĩ, bao gồm 10 thành viên đảng Cộng hòa, đã bỏ phiếu luận tội Tổng thống với cáo buộc “kích động nổi dậy” - theo hãng tin AFP.
Kết quả này sẽ kích hoạt phiên xét xử ở Thượng viện. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ chờ đến sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1. Vả lại, ngày 19/1 Thượng viện mới nhóm họp, thì trong vòng 12 giờ ngắn ngủi (cho tới sáng 20/1, ngày ông Joe Biden nhậm chức) thì cũng không thể đưa ra ngay được phán quyết gì. Điều đó đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ không bị luận tội, hoặc ghê gớm hơn là bị cách chức trước khi hết nhiệm kỳ.
“Dù tiến trình ở Thượng viện có bắt đầu từ tuần này và diễn ra nhanh chóng, quyết định cuối cùng chỉ đạt được sau khi Tổng thống Trump rời văn phòng. Đây không phải là quyết định của tôi mà việc là vậy” - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell, nhân vật quyền lực của đảng Cộng hòa nói sau kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện.
Theo New York Times, ông McConnell trong phát biểu riêng đã ngụ ý rằng ông Trump có thể bị luận tội.
Còn theo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, sau cuộc bạo động tại Đồi Capitol ngày 6/1 (khiến 5 người tử vong) thì cần phải tiến hành thủ tục pháp lý để cách chức ông Trump.
Giới quan sát cho rằng, đây là một giai đoạn đầy gay cấn của nền chính trị nước Mỹ. Đặc biệt là với ông Trump khi mà mọi động thái đều hướng tới việc chặn đường của ông trong tương lai, nhất là việc sau 4 năm nữa ông Trump rất có thể sẽ lại ra tranh cử Tổng thống (vào năm 2024).
Vẫn chưa ngã ngũ
Trở lại với Hạ viện Mỹ, vào ngày 13/1, bắt đầu thảo luận về thủ tục pháp lý để luận tội Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sau vụ bạo loạn xảy ra tại trụ sở Quốc hội. Sau phần tranh luận, vào lúc 15 giờ cùng ngày các nghị sĩ chính thức bỏ phiếu.
Về việc này, ông Donald Trump đã gọi đó là “cuộc săn phù thủy lớn nhất trong lịch sử chính trị”. Ông Trump cũng khẳng định bài phát biểu của ông trước hàng nghìn người ủng hộ, khuyến khích họ tuần hành tới trụ sở Quốc hội, là “hoàn toàn phù hợp” và không liên quan tới vụ bạo loạn xảy ra sau đó.
Dù rằng Hạ viện dưới sự dẫn dắt của chính trị gia lão luyện hàng đầu nước Mỹ, bà Nancy Pelosi, đã dồn ép được đương kim Tổng thống, nhưng giới quan sát cho rằng ông Trump sẽ không bị Thượng viện biểu quyết luận tội hay là cách chức, vì rằng cần phải có ít nhất 2/3 phiếu thuận tại Thượng viện, tức khoảng 67 thượng nghị sĩ đồng ý. Đảng Dân chủ hiện chỉ có 48 ghế do hai thượng nghị sĩ đắc cử ở Georgia chưa tuyên thệ. Điều này đồng nghĩa nếu muốn kết tội Tổng thống Trump, họ phải tìm kiếm thêm sự ủng hộ của ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Đáng chú ý, trong bối cảnh cực kỳ phức tạp của nền chính trị Mỹ, thì Công ty chuyên nghiên cứu dữ liệu Morning Consult phối hợp với trang tin chính trị Politico lại cho biết tỷ lệ ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump đã giảm xuống tới mức thấp kỷ lục sau khi Hạ viện Mỹ dự kiến tiến hành bỏ phiếu luận tội ông lần thứ hai.
Theo kết quả khảo sát trên, tỷ lệ ủng hộ ông Trump chỉ đạt 34%, thấp nhất trong 4 năm ông tại nhiệm Tổng thống. Có tới 63% người được hỏi cho biết họ không ủng hộ ông và rất nhiều người trong số họ thuộc phe Cộng hòa hoặc cử tri độc lập còn những cử tri ủng hộ Dân chủ thì đương nhiên không ủng hộ ông Trump.
Tỷ lệ cử tri Cộng hòa ủng hộ ông Trump hiện là 75%, thấp hơn mức 84% trong đợt khảo sát của Politico/Morning Consult hồi tháng 12/2020. Với các cử tri độc lập, tỷ lệ ủng hộ ông Trump đã xuống mức 29% trong khi hồi tháng 12 là 38%.
Cuộc khảo sát này được tiến hành với 1.996 cử tri tham gia trả lời trực tuyến. Với tỉ lệ đó, ông Trump kết thúc nhiệm kỳ với tỷ lệ ủng hộ rất thấp, tương đương các Tổng thống George W. Bush, Jimmy Carter và Richard Nixon.
Kết quả khảo sát của Politico/Morning Consult cũng cho thấy cử tri khá chia rẽ khi được hỏi ý kiến về việc luận tội ông Trump, với 48% đồng ý, 44% phản đối và 8% không có ý kiến.
Đồi Capitol được bảo vệ nghiêm ngặt
“Chưa bao giờ nước Mỹ lại căng thẳng và hồi hộp như thời điểm này”- nhận định của News York Times. Đó chính là thời điểm kể từ khi Đồi Capitol bị tấn công, ngày 6/1. Ngay sau đó, chính quyền buộc phải thiết lập các biện pháp an ninh đặc biệt, nhất là tại khu vực tại Đồi Capitol, nơi được cho là quyết tâm luận tội bằng được Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.
Kể từ ngày 6/1, lực lượng Vệ binh quốc gia đã triển khai túc trực ngày đêm tại khu vực Đồi Capitol. Một số lượng lớn các thành viên của lực lượng này đã được trang bị súng để bảo vệ ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội, trong khi các vệ binh khác đứng dọc các hành lang bên trong Đồi Capitol trong số đó nhiều người mang theo cả khiên chống bạo động và mặt nạ phòng độc.
Tất cả các toà nhà Văn phòng Quốc hội đều được Lực lượng Vệ binh Quốc gia bảo vệ cùng với các rào cản bằng kim loại.
Người ta cho rằng, đã có tới 20.000 người được điều động tới thủ đô Washington nhằm bảo vệ thành phố trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Lực lượng này đã được trang bị vũ khí. Theo nghị sĩ đảng Dân chủ Hakeem Jeffries, đó là việc làm cần thiết để ngăn không thể xảy ra cuộc bạo động thứ hai. Về mối lo ngại khi lực lượng bảo vệ Đồi Capitol được trang bị súng, theo ông Jeffries, thì đó là điều cần thiết để tự vệ.
Còn Cảnh sát trưởng Đặc khu Washington Robert Contee, cho biết cụ thể rằng 5.000 Vệ binh quốc gia được bổ sung vào lực lượng 15.000 Vệ binh quốc gia được triển khai ban đầu và những người được giao nhiệm vụ bảo vệ Trụ sở Quốc hội và khu vực xung quanh sẽ được trang bị vũ khí.
Xoa dịu căng thẳng và giận dữ - đó là động thái đến từ ông Donald Trump. Phát biểu tại Alamo, bang Texas, ông Trump nêu rõ: “Trước những thông tin về việc có thêm nhiều cuộc biểu tình, tôi kêu gọi không được có bạo lực, không vi phạm pháp luật và không có hành động cố ý phá hoại dưới bất kỳ hình thức nào. Đó không phải điều tôi hay nước Mỹ ủng hộ. Tôi kêu gọi tất cả người dân Mỹ trợ giúp xoa dịu căng thẳng và cơn giận”. Đồng thời, ông Trump nhấn mạnh phát biểu của ông trước hàng nghìn người ủng hộ (trước cuộc bạo loạn ngày 6/1) là “hoàn toàn phù hợp” và không liên quan tới vụ bạo loạn xảy ra sau đó.