Chỉ còn gần 2 tuần nữa, hơn 1 triệu thí sinh lớp 12 trên cả nước sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Trong giai đoạn “nước rút” này, ôn tập thế nào để đạt hiệu quả cao nhất là điều mà các thí sinh đặc biệt quan tâm.
Không nên học thêm kiến thức mới
Chia sẻ bí kíp để đạt kết quả như mong muốn tại kỳ thi quan trọng sắp tới, Nguyễn Hữu An, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điều quan trọng mà các thí sinh cần lưu ý trong giai đoạn này đó là cần sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý.
Hữu An từng đạt 26 điểm khối A01 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019. An chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, phương pháp ôn tập hiệu quả nhất là nên phân chia thời gian học cho từng môn, tránh học quá nhiều môn cùng lúc. Chẳng hạn buổi sáng là lúc đầu óc tỉnh táo thì chúng ta nên học các môn cần ghi nhớ như Ngữ văn, Tiếng Anh. Còn các môn tự nhiên, logic như Toán, Vật lý, Hoá học, các bạn nên học vào buổi chiều tối”, An chia sẻ.
An cho biết thêm, ngoài thời gian ôn luyện thì thời gian nghỉ ngơi cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn đầu năm lớp 12, An chỉ ngủ 4 - 5 tiếng một ngày, thời gian còn lại để tập trung học tập và giải đề. Nhưng tới giai đoạn “nước rút”, An bắt đầu điều chỉnh lại “đồng hồ sinh học” của mình với chế độ nghỉ ngơi đầy đủ để có sức khoẻ và tinh thần thật tốt cho kì thi quan trọng.
“Đến giai đoạn này, các bạn thí sinh không nên nhồi nhét thêm kiến thức mới vì cũng không đọng lại được nhiều mà còn làm rối thêm các kiến thức đã học. Thay vào đó, nên hệ thống lại tất cả các kiến thức mà mình đã tích luỹ được từ đầu năm đến giờ. Tiếp theo, các bạn cần xác định kiến thức chỗ nào còn chưa vững thì củng cố thật chắc, sau đó mới học nâng cao hơn. Ngoài ra, tránh việc luyện đề không có chọn lọc trên mạng sẽ gây ảnh hưởng tới kiến thức và tinh thần của mình”, An nói.
Tránh phân tán tư tưởng bởi các dư luận và thông tin tiêu cực
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, Giảng viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ rằng, một trong những cách cô cảm thấy hiệu quả trong giai đoạn ôn thi “nước rút” đó là nên sử dụng sơ đồ tư duy.
Đây là một công cụ hỗ trợ việc ghi nhớ theo hệ thống các thông tin có mối liên hệ với nhau, cũng là phương pháp ôn thi cấp tốc hiệu quả được nhiều bạn học sinh, sinh viên lựa chọn trước đó. Cách học này giúp các bạn nhớ lâu và tăng dung lượng trí nhớ.
Đối với một vài môn khác như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý là những môn cần trí nhớ tốt thì Tiếng Anh cũng không phải ngoại lệ.
Đặc thù của môn Tiếng Anh là người học cần phải nhớ rất nhiều các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng và cách làm bài sao cho nhuần nhuyễn thì cách để mình nhớ nó chính là tính lặp lại. Người học không cần “nhồi nhét” quá nhiều mà mỗi ngày học một ít, nhưng chắc chắn phải đảm bảo rằng từ giờ cho đến lúc thi học sinh vẫn ôn lại kiến thức đó.
Cô Ngân cũng chia sẻ hai cách sử dụng sơ đồ tư duy hiệu quả nhất: Đó là phân chia theo chiều dọc: các thông tin cùng loại vấn đề, cùng chuyên môn, lĩnh vực,… Cách thứ hai có thể là phân chia theo chiều ngang: trong phạm vi các mục, các chương, các kiến thức khác nhau nhưng có liên quan đến nhau.
Áp lực thi cử khiến cho các bạn thí sinh luôn cảm thấy căng thẳng, điều này rất dễ hiểu. Cô Ngân đưa ra lời khuyên, các thí sinh cần định rõ mục tiêu học tập của mình, thay đổi nhận thức về quan điểm thành công, tránh suy nghĩ so sánh với thành công của người khác và phải đạt được cái mà mình không đủ năng lực thực hiện.
“Các em cũng cần tránh phân tán tư tưởng bởi các dư luận và thông tin tiêu cực; tìm kiếm các nguồn thông tin tích cực để giữ được tinh thần khỏe mạnh, đầy năng lượng cho kì thi sắp tới”, cô Ngân chia sẻ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7. Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 được giữ ổn định như năm trước. Thí sinh tham dự kỳ thi làm 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).