Không ít người sinh sống ở khu vực vùng núi cao trong giây phút túng quẫn thường tìm đến cây lá ngón để kết thúc sự sống một cách oan uổng. Oan uổng hơn nữa khi có những nạn nhân vừa ăn lá ngón xong thì được phát hiện nhưng đều vô phương cứu chữa. Lá ngón trở thành thứ độc dược kinh hoàng đối với đồng bào vùng cao.
May thay, thời gian gần đây những cán bộ quân - dân y ở Nghệ An đã phối hợp sử dụng bài thuốc dân gian giúp một số người ăn lá ngón thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Cán bộ Trạm y tế xã Tri Lễ đang tiến hành cấp cứu một nạn nhân ăn lá ngón tự tử.
Cái chết lơ lửng
Nhắc đến lá ngón, khó có nơi nào nhiều bằng các huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An, nơi được xem là thủ phủ của cây lá ngón phải kể đến là các bản làng của người Thái, Mông tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Lá ngón không chỉ mọc trên đỉnh núi cao mà tươi tốt ở mọi nơi, từ trường học, triền đồi, đường đi, thậm chí ngay bên vách nhà. Cũng chính vì mọc khắp như vậy nên mỗi khi vợ giận chồng, con giận cha hay gặp bế tắc trong cuộc sống họ lại ngắt vài lá ngón bỏ vào miệng nhai, nuốt để kết liễu cuộc đời.
Dưới cái nắng đầu xuân, vùng biên giới Tri Lễ thật đẹp bởi núi non trùng điệp và màu xanh lúa non trên những ruộng bậc thang. Vậy nhưng, ở đây cũng đã để lại trong mỗi người dân, cấp chính quyền nỗi ám ảnh về một loại cây mà nghe đến nó ai cũng rùng mình. Cây lá ngón đã cướp đi của bản làng yên bình này biết bao sinh mạng, từ trẻ nhỏ đến những người phụ nữ yếu ớt, từ những chàng trai lực lưỡng đến những người hiểu rất rõ về nó. Trong cuốn sổ khai tử của xã, chỉ ít dòng đầu đã cho thấy những cái chết do lá ngón.
Điển hình nhất, vào năm 2014, liên tiếp trong thời gian hơn 1 tuần lễ, tại địa bàn các bản đồng bào dân tộc Mông thuộc xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đã xảy ra 3 vụ tự tử bằng lá ngón, làm chết 3 nạn nhân. Theo đó, vào ngày 20/10/2014 anh Xồng Pó S. (sinh năm 1988), ở bản Huồi Mới 1, do những mâu thuẫn trong gia đình không giải quyết được đã ăn lá ngón để tự vẫn.
Tiếp đó, vào ngày 25/10, em Thò Bá L. (sinh năm 1999) con ông Thò Tồng Dê và bà Mùa Y Trử ở bản Pà Khốm do mâu thuẫn với cha mẹ đã ăn lá ngón dẫn đến thiệt mạng. Đến ngày 29/10, chị Lỳ Y C. (sinh năm 1997) ở bản Mường Lống do mâu thuẫn với chồng là Vừ Bá Lồng và bố mẹ chồng nên đã ăn lá ngón. Gia đình phát hiện và đưa nạn nhân về bản cứu chữa nhưng do bị nhiễm độc nặng nên cũng không thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Không chỉ huyện Quế Phong, mà việc quyên sinh bằng cây lá ngón trải dài khắp các huyện vùng núi cao Nghệ An. Đơn cử như vụ ba học sinh tiểu học ăn lá ngón tự tử vào tháng 9/2017, gồm: Xồng Bá D., Xồng Bá X. và Xồng Bá R. (đều sinh năm 2009) là học sinh lớp 3 của trường điểm bản lẻ Than Hóm, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn bị cô giáo nhắc nhở về việc lấy đồ bên trường mầm non. Sợ các cô báo cáo với bố mẹ, nên cả 3 em đã rủ nhau lên rẫy hái lá ngón ăn. Em Xồng Bá D. chết trên đường đưa đến trạm cấp cứu, còn em Bá X. và Bá R. được cứu sống sau đó.
Hay như vào ngày 20/9/2017, người dân địa phương tá hỏa phát hiện anh Moong Văn H. (20 tuổi) trú ở bản Kim Đa, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn chết trong tư thế nằm sấp cạnh lùm cây ngay QL16, đoạn qua bản Kèo Lực 2. Anh H. ăn lá ngón tự tử vì gia đình ngăn cấm việc đi học lái xe do nhà nghèo không có tiền. Trước đó, vào tháng 2/2016 tại bản Na Cáng (Na Ngoi) xảy ra vụ tự vẫn bằng lá ngón khiến nạn nhân Mùa Bá Thái (18 tuổi) chết tại một khu rừng gần bản. Theo người dân địa phương nguyên nhân của vụ tự vẫn là do đôi trai gái này bị gia đình cấm đoán không cho lấy nhau vì chưa đủ tuổi kết hôn.
Cũng có nhiều trường hợp chết do ăn nhầm lá ngón, điển hình như vụ cháu Xổng Chìa Xa và Và Nhia Chia (cùng 6 tuổi) ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong rủ nhau vào rừng hái lá chua ăn. Do còn nhỏ tuổi, chưa phân biệt được các loại lá rừng nên các cháu đã hái, ăn nhầm lá ngón và bị ngộ độc nặng, nằm tại chỗ. Hơn 1 giờ đồng hồ sau, những người dân trong bản đi rẫy về mới phát hiện và đưa hai cháu đi cấp cứu. Tuy nhiên, cháu Xổng Chìa Xa đã chết không lâu sau đó, còn cháu Và Nhia Chia rơi vào nguy kịch. Những ai mới lần đầu tiên lên miền núi cao ở miền Tây xứ Nghệ nếu hái lá rừng ăn thì cần phải biết loại cây độc này.
Cứu sống bằng bài thuốc dân gian
Trước những đau thương của người dân, nhiều lần cứu chữa nhưng phải bó tay với lưới hãi tử thần, đội ngũ y bác sĩ tại Trạm y tế xã Tri Lễ cùng với các bác sĩ quân y của Đồn Biên phòng Tri Lễ đã tìm ra cách chữa trị ban đầu dựa trên một bài thuốc dân gian của người dân vùng cao này. Đó là dùng thân cây chuối đập dập, kết hợp rau má (rửa sạch bằng nước thân cây chuối) giã nhỏ vắt lấy nước. Sau đó thả 2-3 con nhái còn sống vào hỗn hợp nước chuối, rau má trong khoảng một phút rồi vớt bỏ nhái. Bệnh nhân uống loại nước này để kích thích nôn, loại bỏ độc tố trong dạ dày.
Trao đổi với chúng tôi, chị Lô Thị Hồng - Phó trạm Y tế xã Tri Lễ cho biết, việc dùng phương pháp này với điều kiện bệnh nhân được gia đình phát hiện kịp thời, vì đối với một người lớn chỉ ăn nhầm phải 3-5 lá ngón đã có thể bị ngộ độc chết. Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, chảy nước bọt (sùi bọt mép), đau bụng dữ dội, mỏi cơ, đứng không vững, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết nhanh. Đặc biệt, nếu lá ngón được nấu lên thì lại càng dẫn đến tử vong nhanh do ngừng hô hấp.
Chị Hồng cho biết, đây là bài thuốc dân gian, do người Mông vùng biên giới chế ra, tuy nhiên, nó chỉ cứu được khi bệnh nhân ăn ít và cấp cứu kịp thời. Chị Hồng kể: Gần Tết Nguyên đán vừa rồi, vào khoảng 24h ngày 31/1/2019 khi cả Trạm xá đang ngủ, bỗng có tiếng gọi thất thanh từ cổng, chúng tôi trở dậy tiếp nhận một bệnh nhân sinh năm 2000, trú tại bản Pà Khốm, trong tình trạng tím tái, vã mồ hôi, khó thở, co cứng toàn thân, gọi hỏi không đáp. Qua chẩn đoán cũng như người nhà cung cấp, biết bệnh nhân vì giận chồng đã ăn lá ngón tự tử.
“Ngay lập tức, chúng tôi cùng với người nhà, tiến hành chặt cây chuối ngự có trong vườn của Trạm xá, cắt từng khúc và bắt đầu ép lấy nước, sau đó cho bệnh nhân uống cùng với việc tiêm thuốc chống sốc để cho bệnh nhân nôn. Khoảng 30 phút sau khi uống, bệnh nhân nôn hết các thứ trong ruột, trong đó có cả những cọng lá ngón, và từ từ hồi tỉnh”.
Nước vắt từ thân cây chuối là một trong những thành phần quan trọng để sơ cứu cho những nạn nhân ăn lá ngón tự tử.
Cũng theo chị Hồng, trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, Trạm Y tế xã Tri Lễ đã tiếp nhận 4 trường hợp và nhờ vào phương pháp trên cũng như kịp thời phát hiện sớm nạn nhân, nên đã cứu sống được cả 4 người ăn lá ngón tự tử. Bác sĩ Lê Anh Đức công tác tại Đồn Biên phòng Tri Lễ cho biết: “Nhái sống cho vào hỗn hợp nước để tạo chất tanh gây nôn. Bài thuốc này tuyệt đối không sử dụng nước lạnh, nước sôi và nước tinh khiết bởi bệnh nhân sẽ chết ngay sau 5-10 phút”.
Ngoài ra, các bác sĩ kết hợp tiêm thuốc kháng sinh, thuốc trợ tim, trợ sức để cứu sống bệnh nhân. Theo bác sĩ Đức, trong năm 2018, với bài thuốc dân gian gây nôn và thải độc này, quân y Đồn biên phòng Tri Lễ đã cứu sống hai người dân ăn lá ngón tự tử.
Cách đây chưa lâu, Phòng khám quân - dân y kết hợp, Đồn biên phòng Tri Lễ tiếp nhận nạn nhân Vi Văn B. (18 tuổi) cư trú tại bản Lằm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong ăn lá ngón vì mâu thuẫn trong quá trình làm việc đã đánh nhau với quản đốc nhà máy nên bị phạt số tiền 20 triệu đồng và đuổi việc. Chiều ngày 14/4/2018, anh B cùng bạn bè đi uống rượu, sau đó đã hái lá ngón ăn để tự tử, được bạn bè phát hiện báo với người nhà và đưa đến Phòng khám quân - dân y kết hợp để cấp cứu. Bác sĩ Lê Anh Đức cùng kíp trực nhanh chóng tiến hành cấp cứu, điều trị tích cực tại chỗ bằng việc kết hợp bài thuốc dân gian và thuốc tây y.
Ông Lư Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Theo kinh nghiệm các già làng thuộc miền Tây của tỉnh Nghệ An, trường hợp ăn phải lá ngón tươi còn có một số cách cứu chữa khác như: Ngâm người trong nước lạnh, chặt cây chuối áp vào người cho mát; tìm mọi cách giúp người bệnh nôn ra càng sớm càng tốt; sau đó nhanh chóng đưa đến trạm y tế nơi gần nhất để y, bác sĩ rửa ruột.