Internet phát triển mạnh cũng là lúc văn học mạng xuất hiện và trở thành một hiện tượng trong đời sống văn chương của người Việt Nam. Tuy nhiên, để văn học mạng phát triển đúng hướng, rất cần có những định hướng, nhìn nhận thấu đáo, bên cạnh sự hỗ trợ của các “bà đỡ” có tâm, có tầm.
“Vườn ươm” tài năng
Văn học mạng là một bộ phận không thể tách rời của đời sống văn học đương đại. Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, cùng với sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa và loại hình nghệ thuật khác nhau, văn học mạng đã góp phần tạo nên không khí văn học sôi nổi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong đời sống tinh thần của độc giả hiện nay. Với những đột phá trong truyền tải, lưu giữ và công bố, văn học mạng đem lại phương thức xuất bản mới, một kênh thông tin mới cho văn học đương đại, tạo ra sự thay đổi phương thức sáng tác và tiếp nhận văn chương.
Qua các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp các hội nhóm, diễn đàn, cộng đồng… những người sáng tác đủ các thể loại, đề tài và mức độ chất lượng. Không chỉ gia tăng về số lượng, còn xuất hiện “làn sóng” đến từ những người trẻ, trong đó có những gương mặt vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Có thể kể đến những cái tên thành công bước ra từ không gian mạng như Nguyễn Thu Thủy, Quỳnh Thy, Leng Keng, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Gào, Anh Khang, Hamlet Trương, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Phong Việt…
Phần lớn nội dung các tác phẩm văn học mạng này đều mang đề tài hiện đại, gần gũi với đời sống đương đại nên được giới trẻ đặc biệt yêu thích, nhất là thể loại tiểu thuyết ngôn tình. Nhưng cũng nhờ đó, văn học mạng ở Việt Nam nhanh chóng hình thành với nhiều sắc thái, diện mạo khác nhau.
Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu đánh giá, hiện nay văn học mạng gồm có 3 nhánh chính xuất phát từ blog cá nhân; nhánh xuất phát từ các tạp chí văn chương điện tử tiếng Việt cập nhật đều đặn và nhánh văn học dân gian đương đại sáng tác và lưu truyền qua mạng.
Trong đó, nhánh văn học mạng xuất xứ từ blog, các tiểu thuyết có đề tài chủ yếu xoay quanh tình yêu đôi lứa và những cảm xúc, suy tư trước những vấn đề xã hội… nên được công chúng đón nhận khá nồng nhiệt, nhiều cuốn sách thể loại này có trong danh mục sách bán rất chạy trong năm qua.
Nhánh thứ hai là các tác phẩm đăng trên các website văn học điện tử. Các website văn học này trở thành đất cho những thể nghiệm văn học cực đoan nhất, mạnh mẽ nhất trong vài ba năm trở lại đây. Nhánh văn học thách thức với thị hiếu thời thượng, tự xác định vị trí đứng ở ngoại vi, vị trí của một dòng phụ lưu bên cạnh dòng văn chương đứng ở trung tâm, thuộc về chính lưu, sống vừa vặn trong không gian không chính thống.
Còn nhánh thứ ba là bộ phận văn học dân gian đương đại được sáng tác và lưu hành qua mạng với các thể loại châm biếm. Nhờ mạng xã hội, thể loại này có tốc độ phát tán cực kỳ nhanh chóng, sức phổ cập hết sức rộng lớn.
Điểm chung giữa loại hình văn học dân gian đương đại mạng với truyền thống nằm ở chỗ, đều tồn tại trong một không gian phi chính thống, là tiếng nói của đại chúng, từ bộ phận bên trên của xã hội, tác giả chấp nhận vô danh, không sở hữu bản quyền.
Tiếp cận cách nào?
Sau một quá trình hình thành, thực tế cho thấy sự phát triển của văn học mạng còn khá manh mún, “loạn nhịp”, điều này là do thiếu hẳn những “bà đỡ” xứng tầm. Bởi vậy, dù có sự thăng tiến khá rõ ràng, song văn học mạng đến nay vẫn chỉ được đánh giá như những kênh tiếp thị khi hầu hết các đơn vị xuất bản chính thống không mặn mà với loại hình này.
Trong khi, phần lớn các tác giả mạng luôn sẵn sàng bán bản thảo cho các nhà xuất bản, vì sách in luôn đem lại thương hiệu cho họ. Thế nhưng, đến nay các tác phẩm “bước ra” từ không gian mạng đa phần đều cho chính các tác giả tự kêu gọi tài trợ hoặc bỏ tiền túi ra để xuất bản. Đây là nguyên nhân khiến sự phát triển của văn học mạng vẫn theo tính “bản năng”.
Đặc biệt, đối với các tác giả trẻ thì, niềm yêu thích viết của họ tới từ sự đọc, đọc gì viết nấy và ít nhiều có sự tùy tiện, dễ dãi...
Theo nhà văn, dịch giả Nhật Phi (CLB Văn trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội), ở đây chúng ta có thể nhận ra một hệ lụy đó là, một vòng xoáy văn học đi xuống có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người trẻ. Cũng theo nhà văn Nhật Phi, những tuyên ngôn “đao búa” đang đẩy đại chúng, đặc biệt là người trẻ ra xa hơn khỏi văn chương.
Chính vì vậy, trong bối cảnh mạng xã hội đang kiến tạo ra cả một xã hội văn chương mới mẻ, chúng ta cần có phương thức tiếp cận cởi mở hơn nhưng phải luôn ở thế chủ động.
“Ta cần nhìn nhận các bạn trẻ ấy là những người viết, người kể truyện. Ở đó, với những thế hệ đi trước có thể chủ động dẫn dắt họ, từng bước giúp họ nâng cao năng lực cũng như nhận thức sáng tác, mà không phải bằng giáo điều. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và bao dung. Bởi thành tựu cống hiến trong nghề văn vẫn phải là cái duyên của mỗi người. Vì rằng, nếu như tôi thấy quá khứ của mình trong các bạn ấy, thì tại sao không để họ thấy tương lai của mình trong chúng ta?” - nhà văn Nhật Phi bày tỏ.