Nhằm tiếp tục trao đổi, nghiên cứu sâu hơn về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam trong Hoàng cung Thăng Long, ngày 12/11, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ”.
Những bí ẩn dần hé lộ
Tại tọa đàm, theo báo cáo của PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, trong các cuộc khai quật khảo cổ học năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021, Viện Khảo cổ và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội đã phát hiện được 70 cấu kiện kiến trúc gỗ, loại hình khá đa dạng như cột, kèo, xà, ván sàn, cấu kiện rui, xà đấu. Tuyệt đại đa số các di vật được sơn son, một số cấu kiện có chạm khắc trang trí hoa văn mây lửa, hoa sen được sơn son thếp vàng. Những hiện vật gỗ cung cấp những bằng chứng xác thực về một bộ khung gỗ thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long.
Những cấu kiện gỗ này, theo nhận định bước đầu dường như là thuộc bộ khung gỗ của một kiến trúc kiểu hai tầng trở lên. Chúng đều nằm rải rác trên đáy một hồ nước (hay kênh nước) trong Hoàng thành gần Chính điện Kính Thiên có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, các cấu kiện gỗ với các đặc trưng hoa văn sen, mây lửa, hình “như ý”, phong cách thếp vàng thật đều phản ánh rõ các đặc điểm của nghệ thuật Lê sơ (thế kỷ 15) qua so sánh với đồ gốm mạ vàng ở Hoàng thành Thăng Long và tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam), cho phép khẳng định đó đều là các cấu kiện gỗ thể kỷ 15 trong Hoàng cung.
Dường như đây là một kiến trúc rất đặc biệt tồn tại lâu đời từ khoảng thế kỷ 15 và trải qua nhiều thế kỷ, đến khoảng cuối thế kỷ 18 kiến trúc này mới bị phá hủy và ném xuống đáy hồ nước. Do vậy, những cấu kiện kiến trúc gỗ này cho thấy được đôi nét về diện mạo bộ khung gỗ thời Lê sơ với một số kiểu dáng cụ thể, một số kiểu mộng cụ thể, một vài họa tiết trang trí và đặc biệt là phong cách sơn son thếp vàng, kỹ thuật sơn, kỹ thuật thếp vàng mang tính chất cung đình của Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ…
Đặc biệt, năm 2021, tại vị trí phía Đông Bắc nền điện Kính Thiên, đã phát hiện thêm một tầng mái của một mô hình kiến trúc tráng men xanh, men vàng. Nghiên cứu bước đầu cho thấy, một số cấu kiện kiến trúc gỗ nói trên và các thành phần ngói lợp với mô hình kiến trúc này có những điểm khá gần nhau. Nếu tiếp tục nghiên cứu lâu dài, dần dần có thể khôi phục một cách tương đối bộ khung kiến trúc và kiểu cách bộ mái kiến trúc thời Lê sơ ở khu vực Chính điện Kính Thiên (Thăng Long).
Cần sớm được giải mã
Có thể nói, những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) từ những năm 2002 cho đến nay, đã tìm thấy phần còn lại của những công trình kiến trúc kiên cố thể hiện rõ qua dấu tích nền móng cùng nhiều loại ngói lợp mái rất đặc sắc. Đó là dấu tích của những công trình kiến trúc cung điện, lầu gác trong Hoàng thành và Cấm thành của Kinh đô Thăng Long xưa. Đây là kinh đô lớn và quan trọng bậc nhất của quốc gia Đại Việt, có lịch sử tồn tại lâu dài từ thời Lý (1010-1225), Trần (1225-1400) đến tận thời Lê (1428-1789).
Tuy nhiên, kể từ khi phát hiện cho đến nay đã gần 20 năm, nhưng công cuộc nghiên cứu về khu di tích Hoàng thành Thăng Long vẫn còn đó rất nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là vấn đề nghiên cứu nhận diện về tính chất, chức năng, tên gọi và hình thái của các công trình kiến trúc cung điện qua các triều đại trong lịch sử.
Bởi thực tế, lịch sử nghiên cứu về kiến trúc cổ Việt Nam từ trước đến nay vốn còn rất khiêm tốn, chưa có nhiều thành tựu nghiên cứu như Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc. Thành tựu nghiên cứu về kiến trúc cổ Việt Nam hiện biết chủ yếu là kiến trúc đình, chùa, đền, miếu, gọi chung là kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng. Đối với kiến trúc nhà ở và cung điện, nhất là cung điện thời Lý, Trần, Lê dường như chưa có một công trình nghiên cứu nào nói đến, nếu có đề cập thì chủ yếu là các phát hiện khảo cổ học, chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu về kiến trúc cung điện hay hình thái các công trình kiến trúc cung điện.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, từ những phát hiện khảo cổ học một số nhà nghiên cứu hi vọng tìm kiếm manh mối để nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc tòa điện Kính Thiên cho dù chỉ là giả định. Tuy nhiên, công cuộc nghiên cứu này là vấn đề vô cùng khó khăn, có quá nhiều thách thức. Bởi lẽ, các kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long từ lâu không còn tồn tại đến ngày nay. Các phát hiện của khảo cổ học trong nhiều năm qua dù đã có rất nhiều phát hiện mới quan trọng, nhưng cũng mới chỉ tìm thấy những mảnh vỡ hay phần sót lại của lịch sử, thật khó có thể ghép chúng thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Ông Trí cũng cho biết thêm, để nhận diện được hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ nói chung, tòa điện Kính Thiên nói riêng đôi khi rơi vào tình trạng của sự không tưởng. Vấn đề khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu về điện Kính Thiên hiện nay là sự hạn chế tư liệu về diện mạo, quy mô và hình thái nền móng, tức là phần dưới của công trình này, bởi lẽ khảo cổ học chưa khai quật khu vực nền điện Kinh Thiên.
“Vấn đề tiếp theo và cũng là vấn đề then chốt, quan trọng nhất, đó là cần phải có những đầu tư nghiên cứu thật chuyên sâu và mang tính chuyên nghiệp về các loại vật liệu xây dựng kiến trúc cung điện thời Lê sơ dựa trên những phát hiện khảo cổ học để từng bước giải mã về tính chất, chức năng, tên gọi của các loại cấu kiện gỗ và các loại ngói lợp mái công trình” - ông Trí nói.