Nhà ngôn ngữ học, GS.TS Trần Trí Dõi cho rằng, trên cơ sở tư liệu của ngôn ngữ học, lịch sử, địa lý và ngôn ngữ tộc người cần nhận diện từ nguyên tên gọi của sông Mã.
Qua dấu ấn địa danh đó, có thể nhận thấy, lưu vực sông Mã của vùng văn hóa xứ Thanh là địa bàn của những cư dân sử dụng ngôn ngữ Môn - Khmer sinh sống, thời tiền văn hóa Đông Sơn.
Trong số các dòng sông làm nên vùng văn hóa xứ Thanh và là một trong những cái nôi của văn hóa Việt cổ xưa - văn hóa Đông Sơn, hiện nay sông Mã được ghi nhận là dòng sông có vị trí và vai trò quan trọng bậc nhất. Phần sông Mã chảy trên lãnh thổ Việt Nam dài 410 km, đoạn trên thượng nguồn thuộc địa bàn hai tỉnh Điện Biên, Sơn La; phần hạ nguồn nằm trọn trong địa bàn tỉnh Thanh Hóa dài 242 km.
Khi dòng sông từ Lào chảy vào Việt Nam ở phần đất huyện Mường Lát (Thanh Hóa), nhận thêm nguồn nước của một vài con sông chi lưu khác, tạo thành hệ thống sông thuộc lưu vực sông Mã rộng lớn.
Ở góc nhìn về địa danh lịch sử văn hóa, theo thứ tự từ thượng nguồn chảy về xuôi, có hai nhánh phụ lưu là sông Luồng và sông Lò đều bắt nguồn từ tỉnh Hủa Phăn (Lào), chảy qua hai huyện Quan Sơn và Quan Hóa (Thanh Hóa) rồi đổ vào hữu ngạn sông Mã đoạn qua thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Nơi hội tụ của hai dòng sông nói trên với sông Mã thuộc Mường Ca Da, một trung tâm văn hóa quan trọng của vùng tây bắc Thanh Hóa. GS.TS Trần Trí Dõi nhận định: “Về mặt ngữ âm, tên gọi sông Luồng và sông Lò dường như là tên gọi mang dấu ấn ngôn ngữ của cư dân Môn - Khmer đã từng sinh sống ở nơi đây”.
Tiếp theo, phụ lưu sông Bưởi, tên gọi khác là sông Sòi, gồm hai nhánh thuộc về phía tả ngạn của sông Mã. Một nhánh bắt nguồn từ xã Phú Cường, nhánh còn lại khởi thủy tại vùng núi cao của xã Trung Hòa, huyện Tân Lạc (Hoà Bình). Dòng sông này tiếp nhận nước từ một số chi lưu nhỏ khác, chảy qua vùng hạ du thuộc huyện Vĩnh Lộc để đổ vào tả ngạn sông Mã.
Chi lưu ở phía nam được đánh giá quan trọng bậc nhất, dài khoảng 325 km, đổ vào hữu ngạn sông Mã ở ngã ba Giàng hiện có tên gọi chính thức là sông Chu. Nhờ đó, dòng sông Mã đã thu nhận lượng phù sa vô cùng lớn từ các chi lưu để làm nên một đồng bằng Thanh Hóa được xác định là một trong ba đồng bằng trù phú về sản vật cũng như giá trị văn hóa của đất nước.
Ở khía cạnh địa danh học, theo góc nhìn từ nguyên của GS.TS Trần Trí Dõi: Sông Luồng, sông Lò ở thượng nguồn; sông Sòi (Bưởi), sông Lương (Lường), sông Sủ (Chu) là những địa danh mang dấu ấn ngôn ngữ nhóm tiếng Việt thuộc nhánh ngôn ngữ Môn - Khmer. Các tên gọi chính thức cũng như không chính thức của những chi lưu đổ vào sông Mã là nguồn ngữ liệu ngôn ngữ học tộc người đã phản ánh những đặc điểm văn hóa của tên gọi sông Mã theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Từ đó, chúng ta có cơ sở dữ liệu của ngôn ngữ học lịch sử để tiếp cận hợp lý, giải thích được cho là chính thức từ nguyên của tên gọi sông Mã. “Theo thu thập của chúng tôi, cho đến hiện nay đang có không ít những cách giải thích khác nhau về từ nguyên tên gọi của dòng sông Mã được lưu hành.
Nhưng có thể nói, cách giải thích được xem như chính thức chính là cách giải thích mà những người thực hiện tự đánh giá dựa trên nguyên tắc của từ nguyên học khoa học”, GS.TS Trần Trí Dõi nói.
Trong một tài liệu ngôn ngữ học của nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ, khi dẫn ra ví dụ minh họa về khái niệm “từ nguyên học khoa học” trong nghiên cứu ngôn ngữ học viết: “Miền Trung Việt Nam có con sông gọi là sông Mã.
Trong dân gian, người ta giải thích rằng gọi nó là sông Mã vì nó chảy xiết, nhanh và mạnh như ngựa phi và sông Mã nghĩa là “sông ngựa”. Sông Mã là lối nói “trại” đi cái tên đích thực, sông Mạ. Mạ trong tiếng Việt xưa, nay còn lưu trong phương ngữ miền Trung vốn có nghĩa là mẹ”. Theo như cách giải thích nói trên và được cho là “từ nguyên học khoa học” thì tên gọi sông Mã có tên đích thực là sông Mạ.
Tuy nhiên, còn có cách giải thích, tên gọi sông Mã bắt nguồn từ tên gọi nậm Mạ, chỉ phần thượng lưu của con sông mà người Thái và người Lào đã sử dụng. Người Thái ở một số xã thuộc huyện Sốp Cộp (Sơn La) cho rằng: Sở dĩ có tên gọi sông Mã là bởi dòng suối thượng nguồn nậm Mạ chảy qua những triền, bãi có nhiều cây rau mạ. Đây được coi như một quy luật định danh khá thông dụng của đồng bào gọi tên sông, tên suối nơi mình sinh sống dựa vào đặc điểm sinh thái.
Cũng có ý kiến khác của chính người Thái: Nguồn gốc tên gọi sông Mã căn cứ vào đoạn suối thượng nguồn chảy qua khu rừng cây mạ. Chứng tích của tên gọi ấy là xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) hiện nay, nơi sông Mã khởi nguồn.
GS.TS Trần Trí Dõi đúc rút: “Trong hai cách giải thích tên gọi sông Mã nói trên thực tế đang có những vấn đề cần phải được tiếp tục thảo luận. Để làm sáng tỏ những nội dung có liên quan, trước hết chúng ta cần trở lại khảo sát những dạng thức tên gọi khác nhau của sông Mã đã từng được ghi lại trong tài liệu lịch sử”.
Cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi năm 1438 được coi là tài liệu địa lịch sử sớm nhất có ghi về vùng đất Thanh Hóa. Tại mục 31, Nguyễn Trãi viết: “Na, Tùng và Lương ở về Thanh Hóa”. Như vậy, trong tài liệu địa chí viết về tên gọi sông ngòi của xứ Thanh, Nguyễn Trãi chưa nhắc đến tên gọi có dạng âm đọc là sông Mã. Điều đó cho phép nói rằng, đây là một mốc thời gian quan trọng trong lịch sử xác nhận tên gọi sông Mã chưa xuất hiện trong đời sống xã hội.
Tiếp đó là bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” khắc in năm 1697 có ghi chép về tên gọi những con sông quan trọng thuộc lãnh thổ Đại Việt từ thời kỳ đầu lập quốc đến thế kỷ XVII. Trong bộ sử này có hai lần xuất hiện tổ hợp từ Mã Giang.
Nhưng văn cảnh và nội dung mô tả địa lý không cho thấy những địa danh đó được nhắc đến là tên gọi để chỉ sông Mã mà chỉ về một đơn vị hành chính. Nói một cách khác, đến cuối thế kỷ XVII, bộ Toàn thư cũng đã xác nhận tên gọi sông Mã có thể còn chưa xuất hiện trong ghi chép lịch sử vùng đất xứ Thanh.
Chú thích của cố GS Hà Văn Tấn ghi trong cuốn “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, rằng: “Lỗi giang tức sông Mã” và trong bộ Toàn thư có tất cả năm lần nhắc đến địa danh Lỗi giang; trong đó có bốn lần có thể xác định dùng để gọi tên sông Mã. Một lần còn lại ở trang 245 (tập 2) thì tên gọi là một đơn vị hành chính, huyện Lỗi Giang. Như ghi chép tại bộ Toàn thư, đến cuối thế kỷ thứ XVII, khả năng Lỗi giang chính là tên gọi của sông Mã.
Về việc nhận diện tên gọi Lỗi giang để chỉ tên sông Mã, có một sự thú vị đối với việc xử lý địa danh học. Trong bộ Toàn thư ghi: “Sai Trần Ninh đốc xuất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở phía tây thành, phía nam từ Đốn Sơn, phía bắc từ An Tôn đến tận cửa Bào Đàm, phía tây từ chợ Khả Lãng ở Vực Sơn đến sông Lỗi giang”. Tòa thành bộ Toàn thư nhắc đến chính là thành nhà Hồ. Như vậy, đối với bộ Toàn thư, tên gọi Lỗi giang chính là tên sông Mã, đoạn chảy qua huyện Vĩnh Lộc.
Ngoài ra, trong bộ Toàn thư có một lần nhắc tới tên gọi khác để chỉ sông Mã đó là tên gọi Nỗ (Nộ) giang. Tên gọi này được chú thích là khúc sông Mã chảy qua làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa chứ không phải là tên chung của cả dòng sông chảy trong toàn xứ Thanh. Như vậy, khi khảo sát hai tài liệu địa lý lịch sử và lịch sử biên niên, những ghi chép về sông ngòi chính thuộc về vùng đất xứ Thanh trong lịch sử cho đến cuối thế kỷ thứ XVII chưa thấy các sử gia phong kiến sử dụng tên gọi sông Mã.
GS.TS Trần Trí Dõi cho rằng: “Hiện nay, chúng ta dùng tên gọi sông Mã để gọi tên con sông chảy từ thượng nguồn ra đến biển, tức toàn bộ dòng chảy của con sông.
Tuy nhiên, trong lịch sử và trong đời sống cộng đồng, những người gọi tên một con sông, không phải lúc nào cũng được diễn ra. Bởi vì, cộng đồng cư dân gọi tên sông nơi mình cư trú và sinh sống là căn cứ vào đặc điểm định danh khúc sông gắn liền với đời sống hàng ngày của họ chứ không phải khi nào họ cũng nhận diện toàn bộ dòng chảy của sông”.