Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 6 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy sau khi giảm liên tục trong 5 tháng đầu năm, thì giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đã tăng trở lại. Tuy mức tăng còn rất nhẹ, nhưng cũng là dấu hiệu tích cực.
Các giải pháp của Chính phủ đã phát huy hiệu quả
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, điều này cho thấy các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Tuy vốn giải ngân tăng nhưng vốn đăng ký vẫn đang trong xu hướng giảm. Số liệu tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/6/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký ước đạt 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ, tức là chỉ còn giảm 4,3%. Vẫn giảm nhưng mức giảm đã thấp hơn so với các tháng trước. 5 tháng, mức giảm là 7,3%.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tổng số vốn đăng ký có 1.293 dự án mới được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 71,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 6,49 tỷ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ). Có 632 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 29,8% so với cùng kỳ), với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,93 tỷ USD (giảm 57,1% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, còn có 1.594 giao dịch góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 4 tỷ USD, tuy giảm 6,6% về số lượng nhưng tăng 76,8% về vốn so với cùng kỳ. Vốn đầu tư mới tiếp tục tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 5 tháng đầu năm.
Cùng với đó, số lượng dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ so với 5 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ. Việc tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam, nên đã đưa ra các quyết định đầu tư mới. Các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 70,4% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm 2,5% tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 6 tháng.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét “Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…), như Hà Nội, TP HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai…”.
Các đối tác truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn
Nếu xét về đối tác, thì các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...), chiếm tới 76,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 6 tháng.
Trong 6 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 8,46 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 4,2% so với cùng kỳ. Ngành hoạt động tài chính - ngân hàng đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 11,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 1,53 tỷ USD (giảm 51,5%) và hơn 630,6 triệu USD (tăng 54,4%).
Về đối tác đầu tư, trong 6 tháng qua, đã có 90 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, chiếm hơn 22,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27,5% so với cùng kỳ 2022; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,21 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,95 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng 53,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc...
Xét về số dự án, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 18%). Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 26,4%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,9%).