Ngày 6/10, Giải Nobel Hóa học 2021 đã gọi tên 2 nhà khoa học nhờ nghiên cứu tìm ra một phương pháp "tài tình", phát triển các phân tử có thể được sử dụng để tạo ra mọi thứ, kể cả thuốc và hương liệu thực phẩm.
Cống hiến của ông Benjamin List (người Đức) và ông David W.C. MacMillan (người Mỹ) đã cho phép các nhà khoa học có thể sản xuất ra loại phân tử đó một cách hiệu quả hơn, an toàn hơn, bớt tốn kém hơn - và ít tác động đến môi trường hơn.
Quá trình tạo ra phân tử mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi các nhà khoa học phải liên kết các nguyên tử riêng lẻ với nhau theo một cách sắp xếp cụ thể. Cho đến nay, chỉ có hai phương pháp được áp dụng, hoặc sử dụng chất xúc tác nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Tất cả đã thay đổi vào năm 2000, khi ông List, thuộc Viện Max Planck và ông MacMillan, thuộc Đại học Princeton, đã báo cáo về việc các phân tử hữu cơ nhỏ có thể được sử dụng tương tự như các enzym lớn và chất xúc tác kim loại.
Trước khi được phát hiện, chất xúc tác tiêu chuẩn thường được sử dụng là kim loại, thường có những tác động xấu đến môi trường. Nghiên cứu “thần kỳ" của 2 nhà khoa học vừa đạt giải Nobel vẫn luôn được hoàn thiện theo thời gian, tăng hiệu quả của nó lên gấp nhiều lần. Ông List cho biết "cuộc cách mạng thực sự" chỉ mới bắt đầu.
Việc một số nhà khoa học thuộc cùng một lĩnh vực chia nhau giải Nobel đã không còn gì mới mẻ. Năm ngoái, giải thưởng Hóa học thuộc về bà Emmanuelle Charpentier và bà Jennifer A. Doudna nhờ công trình phát triển một công cụ chỉnh sửa gen mang tính cách mạng hoá.
Giải thưởng danh giá Nobel thường đi kèm với một huy chương vàng và 10 triệu kronor Thụy Điển (hơn 1,14 triệu USD). Số tiền thưởng được trích ra từ khối tài sản của nhà phát minh gốc Thụy Điển, ông Alfred Nobel, đã qua đời năm 1895.