Ngày 22/8, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Thúc đẩy đổi mới đô thị với mô hình thành phố thông minh”. Hội thảo do Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tổ chức.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận và thống nhất cơ bản về khái niệm thành phố thông minh, xác định các yếu tố trọng tâm để xây dựng mô hình này một cách hiệu quả, xác định các giải pháp và hỗ trợ chính sách phù hợp để xây dựng và triển khai mô hình thành phố thông minh ở Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Thách thức quá trình đô thị hoá
Theo thông tin từ hội thảo: Các thành phố đang ngày càng phát triển, và ngày càng đóng vai trò quan trọng khi dân số đô thị đang không ngừng gia tăng.
Theo số liệu Quỹ Dân số Liên hợp quốc (website: www.unfpa.org), năm 2008, trên 50% dân số toàn cầu – tương đương 3,3 tỷ người sinh sống tại khu vực đô thị.
Con số này dự báo sẽ tăng lên 5 tỷ vào năm 2030. Với sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị trên toàn thế giới, các thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thứ như: không khí ô nhiễm, hạ tầng giao thông xuống cấp, thất nghiệp...
Đại diện Đại sứ quán Hà Lan cho hay: Đô thị hoá diễn ra trên toàn cầu, dẫn đến dân số tăng nhanh chóng mà diện tích đô thị lại giới hạn.
Năm 2050, dự báo có khoảng 70% dân số sẽ sống trong khu vực đô thị. Áp lực về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và các nguồn tài nguyên ngày càng tăng, đòi hỏi phải có các giải pháp thông minh…
Những thách thức trên cũng là thách thức của Việt Nam. Theo TS Nguyễn Quang- Giám đốc UN-Habitat: Mặc dù ở Việt Nam tỷ lệ đô thị hoá ít hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng vấn đề này cũng trở nên nổi cộm.
Đô thị hoá ở Việt Nam, kéo theo đó là các vấn đề như tắc đường, ô nhiễm, thách thức trong cung cấp dịch vụ đô thị, biến đổi khí hậu, gây gia tăng bất bình đẳng...
“Phải làm thế nào cho kinh tế đô thị bền vững hơn, cho đời sống đô thị tốt hơn cần có phương pháp cụ thể. Chúng ta đang ở trong giai đoạn của nền kinh tế 4.0, đặt ra vấn đề công nghệ mới có đem lại hiệu quả mong muốn cho chất lượng đô thị không? Tôi thấy nền tảng của sự phát triển này đảm bảo đóng góp lớn cho quá trình phát triển toàn cầu. Tạo ra mạng lưới thông tin hỗ trợ về mặt tri thức, giải quyết các vấn đề của hệ thống đô thị”- TS Quang nhấn mạnh.
Giải pháp đô thị thông minh
Các chuyên gia tại hội thảo khẳng định: Đô thị hóa đặt ra vấn đề cấp thiết phải có các giải pháp thông minh hơn để kiểm soát những thách thức từ phát triển.
Một số thành phố tại nhiều nước trên thế giới như Hà Lan, Ấn Độ, Mỹ… đã thành công trong việc áp dụng mô hình thông minh để giải quyết những vấn đề này. Những bài học thực tiễn về xây dựng môi trường sống tốt hơn cho các thành phố đã trở thành động lực xây dựng chiến lược phát triển thành phố thông minh.
Tuy nhiên, khái niệm thành phố thông minh rất đa dạng. Mặc dù được biết đến trên toàn thế giới, khái niệm này được sử dụng với nhiều cách hiểu, cách tiếp cận và bối cảnh thực thi khác nhau.
Thành phố thông minh là sự lồng ghép giữa hạ tầng, dịch vụ công nghệ, nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, tăng cường thể chế và huy động sự tham gia của người dân. Do đó, thành phố thông minh là một thuật ngữ phức tạp và đa nghĩa.
Áp dụng công nghệ có thể giúp người dân thích ứng với các vấn đề về môi trường, giúp con người quản trị về các vấn đề môi trường như rác thải, không khí…
Theo TS Nguyễn Quang: Giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong phát triển đô thị sẽ mang lại kết quả mong muốn trong công cuộc phát triển đô thị tại Việt Nam.
Đó là mang lại một không gian công cộng chất lượng cao, mạng lưới kết nối tốt, hiệu quả sử dụng nguồn lực tăng, cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng trưởng với lượng phát thải các bon thấp, xây dựng tri thức đô thị...
Khi có sự ra đời của thành phố thông minh, kết nối, sự lưu thông đô thị bền vững sẽ tạo thuận tiện trong tiếp cận hàng hoá, dịch vụ, thị trường việc làm, kết nối và hoạt động xã hội. Việc quản trị tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển, duy trì và phục hồi các dịch vụ bền vững, cũng như các hoạt động xã hội, thể chế, kinh tế…
Tương tự, trong bài trình bày “Đô thị thông minh, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và bền vững”, TS Trần Quốc Thái (Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng) cũng phân tích những đặc điểm của đô thị thông minh áp dụng cho Việt Nam.
Theo TS Thái, vấn đề quan trọng không phải là áp dụng công nghệ thông tin cho đô thị để thay thế cách làm hiện nay mà là áp dụng công nghệ cho mục đích gì? Mục đích chính là sự phát triển đô thị tăng trưởng xanh và bền vững.
Theo đó, TS Thái đưa ra lộ trình cho sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam. Đó là xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu đô thị hợp nhất liên ngành xây dựng, đất đai, giao thông trên cơ sở quy định thống nhất của Luật Quản lý PTĐT; Đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, khai thác hiệu quả mạng xã hội, phát huy vai trò người dân tham gia quản lý đô thị, cơ chế lắng nghe ý kiến online; Phát triển thống nhất thị trường nội địa phần cứng, phần mềm và các dịch vụ ứng dụng đô thị thông minh dành cho quản lý nhà nước và cho xã hội; Đổi mới tư duy quản trị đô thị theo hướng dựa trên bằng chứng theo khu vực và lĩnh vực ưu tiên, đào tạo phát triển đội ngũ nguồn nhân lực; Lập báo cáo thường niên quốc gia về phát triển đô thị thông minh.
Qua Hội thảo, các chuyên gia về đô thị cũng đồng tình: Để thực hiện, nên chọn các thành phố đầu tàu, hội tụ được những người có năng lực nhận thức, hạ tầng công nghệ thông tin tốt, tiềm lực tài chính tốt, có thể đầu tư cho thành phố thông minh…