Các ngành khoa học cơ bản trong những năm gần đây đang dần mất đi sức hút, số lượng thí sinh đăng ký theo học và điểm chuẩn đầu vào ngày càng giảm. Để thu hút người học, ngoài các chính sách về học phí, học bổng cần quan tâm đến công tác hướng nghiệp ở bậc phổ thông.
Cơ hội cho người học ở lĩnh vực khoa học cơ bản
Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM vừa chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tại ĐH Quốc gia TPHCM đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045”. Giải pháp được đưa ra dựa trên 3 trụ cột chính: Phát triển nhân tài trong lĩnh vực khoa học; tích hợp nghiên cứu cơ bản với các công nghệ chiến lược, đổi mới sáng tạo; xây dựng hạ tầng nghiên cứu hiện đại, đồng bộ với chuyển đổi số.
Tham quan khoa Vật lý (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) dành cho tân sinh viên. Ảnh: NTCC
Trong đó, ĐH Quốc gia TPHCM đề xuất một số nội dung đáng chú ý. Cụ thể: Miễn học phí, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên tài năng, người học sau ĐH theo học các ngành khoa học cơ bản; Thu hút và tài trợ cho các nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành đến làm việc tại ĐH Quốc gia TPHCM; Đột phá đổi mới chương trình đào tạo các ngành khoa học cơ bản gắn với các công nghệ chiến lược; Cho phép các tài năng trẻ học theo lộ trình riêng; Phát triển kho học liệu số cho các lĩnh vực khoa học cơ bản.
Trên thực tế, không chỉ riêng ĐH Quốc gia TPHCM có những đề xuất liên quan đến thúc đẩy phát triển đào tạo các ngành khoa học cơ bản trong trường ĐH mà đây là chủ trương lớn từ Đảng, Nhà nước ta. Dẫu vậy, nhiều ý kiến kiến nghị Nhà nước có các chính sách ưu tiên cho các bạn trẻ, cũng như nhân lực làm trong lĩnh vực khoa học cơ bản tương tự như chính sách đối với ngành sư phạm thông qua Nghị định 116/2020/NĐ-CP.
Theo GS.TSKH Vũ Hoàng Linh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện nay người học, người dạy đặc biệt là người học giỏi, dạy giỏi không mặn mà với các ngành khoa học cơ bản. Vì vậy, cần phải có giải pháp thích ứng cho lĩnh vực này như đầu tư thích đáng về tài chính, thời gian, chính sách đãi ngộ cho cán bộ giảng viên, người học để họ toàn tâm toàn ý cống hiến và theo đuổi đam mê khoa học.
GS.TS Phạm Hồng Tung (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng kiến nghị cần phải có một cơ chế đặc thù, đầu tư xứng đáng cho công tác đào tạo và nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục ĐH đang đào tạo các ngành khoa học cơ bản.
Không chỉ tăng cường đầu tư từ Nhà nước, PGS.TS Lưu Trang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhấn mạnh, cần đa dạng hóa nguồn lực bằng cách huy động sự chung tay của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào công tác đào tạo và nghiên cứu.
Truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên
Từ số liệu thống kê hàng năm của Bộ GDĐT cho thấy xu hướng chọn ngành, nghề của học sinh ngày nay khi vào ĐH đó là các ngành học hấp dẫn, dễ xin việc, thu nhập cao trong khi khối ngành khoa học cơ bản không được đánh giá cao về cơ hội nghề nghiệp. Điều này chính là lý do khiến thời gian qua, các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh dù đã có những chính sách ưu đãi về học phí, học bổng từ nhà trường so với các ngành học khác. Vì vậy, theo các chuyên gia, để người học tự nguyện theo học khoa học cơ bản, cần một giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều đơn vị. Nếu chỉ các trường ĐH nỗ lực thì không đủ, vì đầu ra khá hạn hẹp sẽ khiến người học e dè lựa chọn.
Bên cạnh các chiến lược phát triển cấp quốc gia, vai trò của giáo dục phổ thông trong việc định hướng, hướng nghiệp cho học sinh cần được quan tâm thúc đẩy hơn nữa để sớm nuôi dưỡng niềm đam mê với khoa học cơ bản cho học sinh từ phổ thông. Hiện trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh đã được định hướng tiếp cận với các môn khoa học từ sớm. Với bậc THCS, đó là các môn liên quan đến STEAM (bao gồm Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học); còn bậc THPT là các môn STEM. Tuy nhiên, do thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… nên hoạt động này tại nhiều trường phổ thông vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương án thay đổi nội dung đề thi đánh giá, đề thi học sinh giỏi, đề thi vào trường chuyên nhằm hướng tới việc học sinh phải hiểu bản chất và phải biết vận dụng lý thuyết vào thực tế, tránh tình trạng chỉ học thuộc lòng. Bởi các kỳ thi hiện nay chủ yếu là kiểm tra kiến thức lý thuyết, chưa có không gian, thời gian cho thực hành nên dẫn đến khó khơi gợi hứng thú của học sinh.