Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Năm 2025 được coi là năm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ 2020-2025, chuẩn bị cho đất nước tâm thế sẵn sàng, vững tin bước vào kỷ nguyên mới. Trong năm bản lề có ý nghĩa vô cùng quan trọng này, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu vượt trội để tăng tốc, bứt phá và phát triển đã được Chính phủ đề xuất và được Trung ương thống nhất, trong đó có mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2031.
Để đạt mục tiêu trên, năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là sản phẩm hàng hóa đặc thù, "đầu vào của mọi đầu vào" của nền kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ quan quản lý đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm cân đối năng lượng song ở phía doanh nghiệp, câu chuyện tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả cũng được chính doanh nghiệp quan tâm.
Theo Bộ Công thương, các ngành công nghiệp hiện đang chiếm hơn 50% tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc và có tiềm năng tiết kiệm lên tới 20 - 30%. Như vậy tiết kiệm năng lượng, bao gồm tiết kiệm điện, sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất và chi phí hoạt động, từ đó gia tăng lợi nhuận và sức cạnh tranh trên thị trường. Tiết kiệm điện cũng giúp doanh nghiệp giảm năng lượng tiêu thụ, đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải carbon trong hoạt động sản xuất, tạo nên các sản phẩm xanh hơn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Có thể nêu ví dụ việc Công ty cổ phần Gạch Granit Nam Định (Công ty VID) đã mạnh dạn đổi mới công nghệ giúp tiết kiệm chi phí năng lượng. Ông Nguyễn Kim Túc - Tổng Giám đốc Công ty VID chia sẻ, để sử dụng năng lượng một cách hợp lý, hàng loạt các dự án và giải pháp đã được đưa ra. Trong đó tiêu biểu như việc áp dụng công nghệ biến tần để giảm tiêu hao điện. Theo tính toán của công ty đối với các động cơ được đầu tư biến tần sẽ giảm được từ 10 - 20% tiêu hao điện năng.
Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư dây chuyền lò nung tiết kiệm nhiên liệu, dùng vòi đốt titanium có khả năng đốt triệt để không để khí dư ra môi trường bởi có tính tự thu khí thải dư đốt lại lần 2. Với hệ thống này đã tiết kiệm được gần 30% năng lượng so với lò nung sử dụng công nghệ cũ.
Việc tận dụng nhiệt trong quá trình sản xuất để sử dụng cho quá trình sấy cũng được Công ty VID áp dụng triệt để. Công ty đã nghiên cứu để đưa ra giải pháp tiết kiệm nhiên liệu như lò than xích được chuyển về sát tháp sấy để giảm tổn hao năng lương trên đường ống giúp tiết giảm lượng than cho quá trình sấy. Hay công ty đã đầu tư hệ thống ống thu hồi nhiệt của lò nung để sử dụng cho lò sấy. Hệ thống này giúp lò sấy gần như không cần sử dụng nhiên liệu đốt.
Còn với Công ty TNHH đầu tư ứng dụng sản xuất bao bì Việt (VIPACO), lãnh đạo công ty cho biết việc thu hồi nhiệt dư cung cấp cho công đoạn sau thì việc bố trí không gian làm việc của các phân xưởng cũng được tính toán khoa học để giảm thiểu hao phí năng lượng. Thiết bị sinh nhiệt được đặt sát phía ngoài, khí nóng sau khi tận dụng hết sẽ được quạt hút ra. Ở phía trung tâm phân xưởng, có hệ thống quạt đẩy không khí tươi bổ sung làm mát. Chính nhờ bố trí sản xuất hợp lý cùng với hệ thống lấy sáng và thông gió tự nhiên nên không khí trong phân xưởng của VIPACO luôn có sự đối lưu tốt, đảm bảo môi trường làm việc của công nhân, không làm tăng thêm chi phí nhiên liệu.
Theo giới chuyên gia, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, cùng với những cam kết quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính (đặc biệt là cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP 26) đòi hỏi phải doanh nghiệp phải thay đổi về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho phù hợp với tình hình mới.
Liên quan đến sử dụng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đã có tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Dự thảo Luật bám sát 4 chính sách: Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát triển dịch vụ tư vấn, kiểm toán, đào tạo; hỗ trợ tài chính, chính sách ưu đãi; chuyển đổi thị trường thiết bị hiệu suất cao.
Theo Bộ Công thương, dự thảo luật lần này không chỉ hướng đến nâng cao năng suất, hiệu quả sử dụng năng lượng trong nước mà còn tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp Việt tiếp cận các công cụ hỗ trợ tài chính xanh, bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế, quỹ tiết kiệm năng lượng. Đây là các yếu tố then chốt để doanh nghiệp có thể đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến sản xuất, giảm phát thải mà vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh.