Ngày 24/3, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) phối hợp tổ chức tọa đàm “Tiếp tục kiện toàn chính sách và công tác tuyên truyền bảo tồn động, thực vật hoang dã nguy cấp”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu, Việt Nam là 1 trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, là nơi cư trú của một số loài động, thực vật hoang dã thuộc nhóm tiêu biểu và nguy cấp, quý hiếm trong sách đỏ thế giới.
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng, Việt Nam là quốc gia sớm tham gia các công ước và hợp tác quốc tế về bảo tồn, bảo vệ động, thực vật hoang dã. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm tính đa dạng sinh học, số loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần được bảo vệ ngày càng nhiều. Những hạn chế của văn bản pháp luật và sự chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và về cơ quan quản lý chuyên ngành đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an cho biết, công tác này còn gặp khó khăn trong áp dụng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, trong dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên theo ông Quỳnh, cần thường xuyên thực hiện công tác nắm tình hình để nhận diện các tuyến, địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, đặc biệt chú trọng đến địa bàn có đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và quần chúng nhân dân để nắm bắt thông tin về hoạt động mua bán, nuôi nhốt, săn bắt trái phép động vật hoang dã. Tích cực tiếp nhận, giải quyết nguồn tin, đơn thư phản ánh, giải quyết nhanh các “điểm nóng” về buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, kiên quyết xử lý vi phạm để có tính răn đe với toàn xã hội.