Xã hội

Giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm

Lê Bảo 06/04/2024 08:37

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa có báo cáo về việc giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.

anh-bai-tren(2).jpg
Người lao động giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Lan Hương.

Trước đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. Bộ LĐTBXH cho hay đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở thống nhất với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, và để kịp thời giải quyết chế độ BHXH cho người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đang chậm đóng BHXH (phá sản; đang làm thủ tục phá sản; ngừng hoạt động; không còn người đại diện theo pháp luật), Bộ LĐTBXH đã có văn bản gửi BHXH Việt Nam về việc thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động. Theo đó, đối với trường hợp đã đủ điều kiện thì sẽ giải quyết chế độ BHXH, bao gồm lương hưu, BHXH một lần, tử tuất cho người lao động.

Đồng thời, xác nhận thời gian đã đóng BHXH để người lao động tiếp tục tham gia tại đơn vị mới, hoặc bảo lưu thời gian đã đóng BHXH. Bộ LĐTBXH cũng đề nghị BHXH Việt Nam tăng cường thực hiện biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, và đảm bảo chế độ cho người lao động.

Về lâu dài nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, Bộ LĐTBXH cho biết, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Đơn cử như: Quy định cụ thể 2 hành vi, chậm đóng BHXH và trốn đóng BHXH; quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế). Quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, mà vẫn không đóng, hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng.

Đặc biệt, cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố, đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH, theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tình trạng lao động bị nợ đóng BHXH không có khả năng thu hồi là vấn đề tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhiều người lao động. Lý giải nguyên nhân khiến 200.000 lao động bị ảnh hưởng quyền lợi trầm trọng do chủ DN bỏ trốn, nợ BHXH kéo dài.

Theo các chuyên gia, mặc dù Luật DN, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã có quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, nhưng không phải là khoản ưu tiên thanh toán đầu tiên (sau chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc…) khi thanh lý tài sản.

Mặt khác, phần lớn các DN phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp nên người lao động không được ghi nhận đối với khoảng thời gian DN chậm đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân quan trọng là các giải pháp, biện pháp hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, theo các chuyên gia, bên cạnh với bổ sung chính sách cần có chính sách, đặc thù đối với lao động này.

TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội cho rằng, người lao động tham gia BHXH nhưng không được giải quyết các chế độ ngắn hạn như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản và cũng không thực hiện được các chính sách giải quyết trợ cấp thất nghiệp, giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất cho họ. Đây là vấn đề rất bức xúc, chính vì vậy cần sớm có giải pháp để giúp người lao động vì chủ DN đã bỏ trốn, không còn ai để lo cho người lao động.

Cũng theo ông Lợi, chính sách BHXH bắt buộc cần phải xử lý theo pháp luật nếu DN vi phạm pháp luật. “DN đã tham gia vào quá trình sản xuất, đóng 14% BHXH, Nhà nước đã hỗ trợ 25% thuế thu nhập DN, DN không phải đóng thuế. Được hỗ trợ như vậy thì DN phải thấy được trách nhiệm của mình. Nếu không xử lý một cách nghiêm minh thì tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH sẽ trở thành vấn nạn muôn thuở” - ông Lợi nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thanh tra của ngành tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…; thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật lao động tại các tổ chức, doanh nghiệp có nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật lao động; tiếp tục triển khai, hướng dẫn tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động thông qua trang thông tin điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị nợ bảo hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO