Giải quyết tình trạng trùng lắp, sai thẻ Bảo hiểm y tế

Ngân Hà 23/09/2015 00:45

Chính quyền thôn, xã hoàn toàn đảm nhiệm tốt chức năng quản lý đối tượng Bảo hiểm y tế (BHYT) và thực hiện phương thức bán BHYT theo hộ gia đình, tin học hóa công tác quản lý, giải quyết dứt điểm tình trạng trùng thẻ, sai thẻ, chậm thẻ BHYT… Đó là khẳng định của TS. BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) và Liên minh Vận động Phát triển Chính sách Y tế dựa trên Bằng chứng Khoa học (EBHPD) đưa ra trong hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội.

Giải quyết tình trạng trùng lắp, sai thẻ Bảo hiểm y tế

Sổ cái quản lý đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế
tuyến thôn xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội).

Luật Bảo hiểm y tế 2014 quy định chính quyền xã có chức năng quản lý các đối tượng trên địa bàn về vấn đề BHYT và đặt ra nhiệm vụ cho Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai phương thức bán BHYT theo hộ gia đình nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2020.

BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế phát triển các biểu mẫu thu thập thông tin về hiện trạng có BHYT trong dân và triển khai bán BHYT theo hình thức hộ gia đình (HGĐ). Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, tạo điểm nóng dư luận, khiến hoạt động bán BHYT theo HGĐ phải tạm dừng.

Có thể thấy rằng, việc người dân không mua BHYT không phải do thiếu kiến thức về BHYT. Vì chỉ cần có một trường hợp phải đi bệnh viện và thấy được lợi ích mà BHYT giúp cho họ giảm bớt chi phí thế nào thì không cần tuyên truyền người dân cũng mua ngay. Bởi chi phí cho ốm đau, bệnh tật vẫn luôn là gánh nặng cho mỗi gia đình, nhất là những gia đình khó khăn. Do đó, hầu như những thông tin về BHYT giúp giảm bớt gánh nặng chi phí người dân đều nắm rất rõ.

Việc triển khai BHYT theo HGĐ thực chất theo cách nhìn thị trường là hình thức khuyến mại càng nhiều người mua càng được giảm giá. Do đó, có rất nhiều người dân hưởng ứng. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc về thủ tục hành chính phức tạp đã làm làm nản lòng người dân. Bởi việc bán thẻ BHYT theo HGĐ nhưng lại giao cho các đại lý, hoặc các hình thức do Bảo hiểm xã hội tuyến Trung ương thực hiện.

Do đó, muốn mua BHYT theo HGĐ người dân phải xác định được thân nhân, phải có bằng chứng những người trong gia đình đã mua nên phải photo quá nhiều giấy tờ. Từ đó, tăng vấn đề hành chính hóa, gánh nặng cho người dân nên dẫn đến nhiều người không muốn mua bảo hiểm.

Vậy làm thế nào chính quyền xã quản lý được BHYT và triển khai được hình thức BHYT theo HGĐ, giải quyết được tất cả các tồn tại đã gặp phải? Ông Trần Tuấn cho biết, để giải quyết tận gốc tình trạng trùng thẻ, sai thông tin trên phạm vi toàn hệ thống và triển khai phương thức BHYT theo HGĐ hiệu quả phải khắc phục tình trạng bị động hiện nay trong quản lý bảo hiểm y tế của chính quyền xã.

Theo đó, cần bắt đầu từ bước tổ chức hệ thống thông tin BHYT tích hợp với hệ thống thông tin thường xuyên thực hiện bởi chính quyền xã theo hướng đơn giản, tin học hóa và gắn liền với lợi ích của cả người dân và chính quyền cấp thôn xã. Xác định chính quyền cấp thôn là những người gần dân nhất vì các trưởng thôn có thể đảm bảo chính xác những thông tin họ có là căn cứ vào những hộ gia đình ở thôn mình.

“Chỉ bằng cách trả lại cho chính quyền xã việc quản lý đối tượng kết hợp với việc bán thẻ BHYT theo HGĐ thì mới có thể tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận BHYT. Đó là bước đầu tiên trước khi chúng ta muốn nói rằng BHYT giúp dân tốt hơn”, ông Tuấn khẳng định.

Từ những cơ sở trên, Trung tâm RTCCD và EBHPD đã phát triển mô hình “Chính quyền cấp xã quản lý đối tượng BHYT theo HGĐ”. Đó là xây dựng sổ cái quản lý thông tin cấp thôn, và phát triển phầm mềm tổng hợp và truy xuất thông tin BHYT thực hiện bởi chính quyền xã, và đưa vào triển khai thí điểm tại xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội).

Theo đó, kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 (8/2014 đến 8/2015) tập trung vào cấu phần 1 của mô hình về “chức năng quản lý đối tượng BHYT hộ gia đình của chính quyền xã”, cho thấy chính quyền thôn, xã hoàn toàn đảm nhiệm tốt chức năng quản lý đối tượng BHYT bằng việc phân công trách nhiệm minh bạch.

Trong đó, chính quyền thôn thực hiện chức năng tạo lập và duy trì sổ cái tích hợp thông tin BHYT theo HGĐ với thông tin di biến động dân số và an sinh xã hội khác. Đây cũng là nơi thực thi hoạt động cập nhật thông tin và báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu tổng hợp của chính quyền xã. Chính quyền xã thực hiện tổng hợp thông tin toàn xã, truy xuất, báo cáo thông tin đáp ứng yêu cầu của BHXH và các ban ngành cấp trên, đồng thời thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động thu thập thông tin của tuyến thôn. Toàn bộ hệ thống thông tin được tổ chức lại theo hướng tin học hóa phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính và đáp ứng ngày càng thuận tiện cho cả người dân và cơ quan quản lý.

Theo chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ LĐTB&XH xã Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội), sau khi mô hình mới này được đưa vào thí điểm có thể dễ dàng phát hiện đối tượng trùng lắp thẻ (1.9%) và các đối tượng không có thẻ BHYT (29.1%) trên địa bàn toàn xã. Đồng thời thông tin của từng hộ gia đình trên địa bàn xã đều có thể truy cập và cập nhật nhanh chóng qua tiến hành rà soát định kỳ. Chính quyền xã có khả năng trích xuất thông tin báo cáo vào bất kỳ thời điểm nào, đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương.

Ông Lê Văn Phúc - Phó ban Chính sách y tế (BHXH Việt Nam) cho rằng, phương pháp của mô hình có thể phát hiện những khó khăn, vướng mắc của người dân, đa số vướng mắc là do chưa nắm được quy định pháp luật của nhà nước. Mô hình này đã hỗ trợ cho UBND xã lập được danh sách tham gia BHYT trên địa bàn. Hỗ trợ rất nhiều cho các cán bộ thôn là nơi thu thập thông tin từ các HGĐ được thuận tiện, nhanh chóng và kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết tình trạng trùng lắp, sai thẻ Bảo hiểm y tế