Với ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nhiều tỉnh thành trên cả nước phải nghỉ học để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, một trong những kênh giải trí cho thanh, thiếu nhi là truyền hình lại đang thiếu các sản phẩm phù hợp, nếu không nói là bị bỏ quên.
“Đỏ mắt” tìm kênh cho trẻ em
Với sự phát triển của văn hoá giải trí, không thể phủ nhận các kênh truyền hình trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn cho khán giả màn ảnh nhỏ. Ở đó, các chương trình không chỉ tăng về số lượng mà còn đa dạng về thể loại như phim truyện, ca nhạc, nhảy múa, hài hước, trí tuệ…
Tuy nhiên, dù được phủ sóng rộng khắp trên các kênh, sóng nhưng có một thực tế là chương trình giải trí dành cho đối tượng thanh thiếu nhi lại đang vô cùng khan hiếm, nhất là trong bối cảnh các trường phải nghỉ học vì dịch bệnh.
Đơn cử, như phim truyền hình trên VTV dù đang rất thành công với nhiều bộ phim thu hút người xem nhưng tất cả các đề tài đều dành cho người lớn. Các bộ phim phát khung giờ vàng nếu không xoay quanh những câu chuyện về tình yêu, ghen tuông thì là những vụ án hình sự, tội phạm… Với các em thanh thiếu niên nhất là trong thời điểm nghỉ dịch thì tìm “đỏ mắt” cũng không thể kiếm được một bộ phim nào phù hợp với lứa tuổi, thậm chí là về đề tài học đường.
Đây cũng là thực trạng trên các kênh phát sóng của Đài truyền hình TP HCM hay Đài truyền hình Vĩnh Long. Thậm chí, theo kế hoạch sản xuất phim hàng năm của nhiều Đài truyền hình thì mảng đề tài này cũng không hề được đề cập đến.
Dẫn chứng về sự khan hiếm này, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhìn nhận: Để đáp ứng được thị hiếu của thiếu nhi rất khó khăn. Tóm lại thị trường không mở cửa thì không có nguồn vào.
Nhà biên kịch cũng phân tích, áp lực về doanh thu cũng là một phần nguyên nhân khiến cho phim thiếu nhi bị thiếu. Người ta dè dặt trong việc sử dụng diễn viên nhí. Vì không thể dễ dàng tìm ra được gương mặt có thể chỉ là nhí mà có thể quyến rũ được các bạn trẻ khác. Bên cạnh đó là quan điểm về thế nào là một đứa trẻ hay, một đứa trẻ ngoan… tất cả những thứ đó phải được đặt ra thì mới có chỗ để biên kịch di chuyển. Nếu không có thì biên kịch cứ viết rồi xong bị bỏ mặc.
“Theo tôi văn học không thiếu nguồn để đáp ứng. Có thể kể đến như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã là một kho lớn. Gần đây có cuốn “Đi trốn” của Bình Ca. Nhưng dường như khi mọi người bắt tay vào đều rất là dè dặt vì không biết những câu chuyện của quá khứ, câu chuyện của thời chiến tranh chống Mỹ thì liệu có quyến rũ được các em ngày hôm nay không. Nếu làm ra mà không được đón nhận lại khổ cho nhà sản xuất. Nhà nước vẫn kêu gọi làm phim cho thiếu nhi nhưng thẩm định một kịch bản thiếu nhi như nào cho đúng, có giá trị nâng đỡ nhau thì tôi thấy chưa sẵn sàng. Nếu mà các nhà điện ảnh thị trường chưa sẵn sàng vì còn câu chuyện của lỗ lãi thì nhà nước phải vào cuộc. Hệ thống xét duyệt của nhà nước phải mở rộng hơn, có cách nhìn cởi mở hơn. Bởi trẻ em hôm nay khác trẻ em ngày xưa rất nhiều. Nếu vẫn là cách nhìn ngày xưa thì sẽ trở thành gượng ép. Khi đó không có gì đảm bảo phim sẽ đến được với trẻ em. Theo tôi hệ thống của nhà nước phải vào cuộc và có cái nhìn cởi mở hơn. Những nhà viết kịch phải tiếp cận với trẻ em để biết trẻ em hôm nay khác ngày xưa như thế nào. Nếu cứ tưởng tượng tất cả những đứa trẻ là mình của ngày hôm qua thì rất khó”- nhà biên kịch nói.
“Thực đơn” phong phú lại không có “món ngon”
Không chỉ ở lĩnh vực phim truyền hình, các chương trình giải trí, ca nhạc, gameshow… dành cho thiếu nhi trên truyền hình sau một thời gian phát triển mạnh mẽ cũng đang có dấu hiệu “nguội lạnh”. Cho dù hiện nay trên nền tảng công nghệ số rất nhiều kênh chuyên biệt cho thiếu nhi đã đầu tư sản xuất. Có thể kể đến như kênh Kids&Family TV - VTC11 (Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC); Bibi - VCTV8 (Truyền hình cáp Việt Nam); Sao TV (Truyền hình cáp Sài Gòn); HTV3 (Đài Truyền TP HCM) và SAM (AVG - Truyền hình An Viên).
Thế nhưng dù ra tăng về số lượng nhưng chất lượng, nội dung, sức hút của các kênh sóng này vẫn là vấn đề cần phải bàn. Ở đó, một điểm chung của các kênh sóng này là “thực đơn” dù rất phong phú nhưng lại không có những “món ngon” hấp dẫn trẻ nhỏ. Các kênh sóng này hầu như chỉ đáp ứng được tính giải trí mà chưa mang tính định hướng và giáo dục, đặc biệt là giới thiệu về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Đơn cử như lĩnh vực phim hoạt hình dù sở hữu một “kho tàng” mang thương hiệu Việt, nhưng sự lựa chọn của hầu hết các kênh sóng vẫn là các sản phẩm của nước ngoài. Tương tự với các chương trình ca nhạc vẫn là sự lấn át của các ca khúc nước ngoài, nếu có cũng chỉ là những bài hát đã đi cùng năm tháng. Đặc biệt là các gameshow cho thiếu nhi giờ đây đã biến thành những chương trình giải trí cho người lớn.
Có thể nói, việc thiếu các chương trình giải trí “đúng nghĩa” dành cho thiếu nhi đang dẫn đến một nghịch lý đang buồn là dù đang sống trong thời đại công nghệ thông tin nhưng chính các em nhỏ phải xem ké các chương trình của người lớn. Việc tiếp xúc quá sớm với những câu chuyện của người lớn đã khiến nhiều em nhỏ có cách suy nghĩ, diễn đạt già hơn tuổi thật.
Nhìn nhận về thực trạng này, theo TS Trần Thuỵ Anh: Làm sao để xác định được nhu cầu của trẻ em thực sự là rất khó bởi thay đổi liên tục. Ngoài việc đáp ứng được sở thích của các em thì trách nhiệm quan trọng hơn của các chương trình truyền hình là giáo dục, để hình thành sở thích, nhu cầu tinh thần hay gu thẩm mỹ cho các em.
TS Trần Thuỵ Anh cho rằng: Để có thể tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu của trẻ trong thời đại mới, cần có sự quan sát, ghi chép, miêu tả, phân tích, đánh giá những phản ứng của trẻ với các chương trình truyền hình đang phát sóng, đồng thời tiến hành điều tra thăm dò ý kiến từ góc độ người lớn và trẻ em trên diện rộng. Những đề xuất về mặt lý thuyết dựa vào những đặc điểm tâm lý lứa tuổi. Các nhà sản xuất, nhà biên kịch, đạo diễn nên tham khảo ý kiến chuyên gia giáo dục và tâm lý giáo dục ở mỗi chương trình cụ thể.
“Mỗi chương trình cần được dán nhãn lứa tuổi để bố mẹ quyết định cho các con tiếp cận hay không. Sự cẩn trọng trong khi xây dựng chương trình, làm phim cho trẻ thể hiện trách nhiệm của người làm truyền hình đối với sự an toàn về tinh thần và thể chất của trẻ, đồng thời là ý thức thông qua kênh truyền hình nâng cao kiến thức, kỹ năng, chất lượng sống của trẻ em”- TS Trần Thuỵ Anh nói.