"Việc khai báo y tế không chỉ dành cho bệnh nhân, người nhà, khách đến làm việc mà 100% cán bộ y tế cũng phải thực hiện nghiêm”, Giám đốc BV K đề nghị.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế để "Mỗi cơ sở y tế là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là một chiến sĩ chống dịch Covid-19", Bệnh viện K đã tái khởi động và triển khai đồng loạt nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, hướng đến mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả điều trị chăm sóc sức khỏe cho người bệnh vừa bảo đảm an toàn cho người bệnh, người nhà và cán bộ y tế.
Người bệnh và người nhà chủ động khai báo online trước khi đến Bệnh viện- Đó là khuyến cáo của Bệnh viện K thông báo đến tất cả người bệnh và người nhà trước khi đến khám, điều trị. Bệnh viện đã chủ động xây dựng và hướng dẫn người bệnh khai báo y tế online qua địa chỉ https://www.khaibaoyte-bvk.com, giúp người bệnh và người nhà nắm bắt thông tin nhanh chóng, chính xác, các thông tin khai báo cũng được lưu giữ hàng ngày và có thể truy xuất khi cần thiết.
“Việc khai báo y tế online không chỉ dành cho người bệnh và người nhà, khách đến khám việc mà 100% cán bộ y tế cũng phải thực hiện nghiêm túc, ai chưa khai báo y tế thì không vào bệnh viện”- PGS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K đề nghị.
Bà Hà Thị T. (49 tuổi, quê ở Ninh Bình) hiện đang điều trị ung thư vú tại Khoa Nội 5, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều chia sẻ, từ khi có dịch Covid-19, trước khi vào viện để điều trị, bà thường nhờ các con khai báo thông tin trước qua điện thoại. “Đến bệnh viện, tôi chỉ cần mở thông tin đã khai báo và đủ điều kiện sức khỏe sau khi sàng lọc là được vào bệnh viện, không cần khai báo qua giấy. Việc làm này sẽ thuận tiện, hiệu quả hơn, không phải chờ đợi, tránh phải tập trung nơi đông người”- bà H. chia sẻ.
Với những người bệnh chưa khai báo y tế online, bệnh viện K cũng bố trí các bàn khai báo y tế ngay tại khu vực nhà để xe, sảnh các tòa nhà, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn để thuận tiện cho người dân thực hiện khai báo.
Tại các điểm sàng lọc, cửa ra vào, khu vực khám, điều trị, các chai dung dịch sát khuẩn tay được bố trí tại nhiều vị trí thuận tiện để người bệnh sử dụng.
“Đeo khẩu trang là việc làm cần thiết, ai cũng phải đeo không chỉ vì dịch bệnh mà bảo vệ sức khỏe cho chính mình và mọi người. Tôi nghĩ rằng, ai cũng nên giữ thói quen này kể cả khi hết dịch”- anh Vũ Huy Huân, 31 tuổi đưa người nhà vào nhập viện tại Bệnh viện K nói.
Tại các cơ sở của bệnh viện, những người đã được sàng lọc sẽ được đóng dấu vào tay ở vị trí dễ nhận thấy giúp cán bộ nhân viên y tế và bảo vệ có thể kiểm tra, theo dõi.
Lãnh đạo Bệnh viện K cho biết, để đảm bảo an toàn cho người bệnh và những người đến Bệnh viện trong thời điểm tâm dịch bệnh, Bệnh viện K đã triển khai bố trí 2 phòng khám, cách ly riêng trên 2 container, được trang bị đầy đủ theo hướng dẫn Bộ Y tế, trường hợp người đến bệnh viện có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được hướng dẫn và đưa đến khu vực này. Bệnh viện cũng đã lên phương án sẵn sàng để triển khai khám, thực hiện xét nghiệm, chụp chiếu riêng tại khu vực cách ly nếu người bệnh vừa có biểu hiện nghi ngờ về dịch bệnh, vừa có bệnh lý ung bướu.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt- Xô, để thực hiện chung tay phòng chống Covid-19 đặc biệt ngăn ngừa sự lây lan trong bệnh viện, lây lan đến bệnh nhân cao tuổi, Bệnh viện đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và quán triệt để mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhân viên khác trong bệnh viện là một tuyên truyền viên phòng chống Covid-19, mỗi khi thăm khám, tiếp xúc đều dành thời gian nói chuyện tư vấn cho bệnh nhân về tình hình dịch bệnh, sự nguy hiểm khi người cao tuổi có bệnh mạn tính mắc phải, các biện pháp phòng tránh, khuyên bệnh nhân hạn chế đi thăm, tiếp xúc gặp gỡ người lạ, đeo khẩu trang, rửa tay, vệ sinh mũi họng, giãn cách theo khuyến cáo tùy theo mức độ dịch bệnh.
Đồng thời mỗi người dân khi bước vào khuôn viên bệnh viện sẽ được yêu cầu đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và sát khuẩn tay phòng Covid-19.
Đặc biệt chú ý kiểm soát tốt bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, hạn chế thời gian nằm viện, hạn chế phải nhập viện. Kịp thời cứu chữa bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm khác để người bệnh nhanh chóng khỏe mạnh, sẵn sàng đương đầu với các diễn biến của dịch Covid-19.
Bệnh viện cũng hạn chế người bệnh phải vào khám khi không thật cần thiết, trong giai đoạn giãn cách xã hội có thể cấp thuốc ngoại trú dài ngay khi được BHYT đồng ý. Chú trọng tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa cách ly, tránh lây nhiễm chéo bệnh truyền nhiễm trong bệnh viện.
BS Nguyễn Đăng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt- Xô cho rằng, hiện nay tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn những ca bệnh chưa phát hiện được các nguồn lây. Vì vậy, BS Khiêm cũng khuyến cáo người dân không nên tới các bệnh viện nếu như không có việc thực sự cần thiết, hạn chế việc tới bệnh viện thăm hỏi người bệnh.
“Bệnh viện là nơi tập trung rất nhiều người bệnh, tập trung rất nhiều bệnh mãn tính và không loại trừ được ở bệnh viện có những nguồn lây nhất định. Mỗi người tự có ý thức để phòng chống dịch bệnh tốt hơn. Tôi khuyến cáo mọi người hạn chế đến thăm bệnh nhân trong thời điểm này. Ở các bệnh viện hiện nay cũng đã có những quy định không cho thăm bệnh nhân, chỉ để lại 1 người nhà chăm sóc nếu như thực sự cần thiết. Đó là cách rất tốt để bảo vệ người dân trong thời điểm này”, BS Khiêm cho biết.