Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định việc di dời cây sứ cổ thụ ở điện Kiến Trung là việc làm bình thường theo kế hoạch chứ không phải là biếu một giám đốc Sở.
Theo ông Hải, cây sứ đã được chuyển lên trồng tại khu vực vườn ươm Văn Thánh do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huếquản lý.
Chuyện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã cho mang cây sứ “trăm năm tuổi” ở điện Kiến Trung về trồng vào vườn nhà của một “ sếp”đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chiều 7/9, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trao đổi với Đại Đoàn Kết Online xung quanh thông tin này.
Ông Hải khẳng định, cây sứ lâu năm mọc tự nhiên trên khu vực nền móng điện Kiến Trung (trong Đại Nội) mà Trung tâm di dời ngày 21/1/2016 là một việc bình thường.
“Đây là cây sứ mọc tự nhiên (vì mọc trên nền móng công trình, và theo tập quán của người Huế, không bao giờ trồng cây sứ ở khu vực ngôi nhà mình sinh sống- mà chỉ trồng tại đền thờ, lăng mộ…trong khi điện Kiến Trung là công trình do vua Khải Định xây dựng để ở, gia đình vua Bảo Đại cũng sinh sống tại đây đến tháng 8/1945). Vì vậy, có thể khẳng định, cây sứ này chỉ mới xuất hiện sau tháng 2/1947- thời điểm điện Kiến Trung bị chiến tranh tàn phá”.
Theo ông Hải, cây sứ trên nằm trong kế hoạch di dời một số cây xanh tại khu vực Đại Nội của Trung tâm (khu vực điện Kiến Trung có 3 cây sứ- có bản đồ hiện trạng cây xanh tại thời điểm khảo sát nền móng điện Kiến Trung vào năm 2014).
Ngày 21/1/2016, cây sứ này được phòng Cảnh Quan Môi trường thuộc Trung tâm di thực lên vườn ươm Văn Thánh (có sự xác nhận bằng văn bản giữa Tổ bảo vệ cổng Hòa Bình thuộc phòng Quản lý bảo vệ và Tổ thực hiện công tác di dời cây thuộc phòng Cảnh quan môi trường).
Hiện nay, cây sứ này vẫn còn nguyên vẹn tại vườn ươm Văn Thánh (ảnh chụp ngày 6/9/2016).
Giám đốc Hải thông tin thêm: Để đảm bảo tránh ảnh hưởng đến du khách tham quan khu vực Đại Nội, từ ngày 12/12/2014, Trung tâm đã có văn bản quy định, tất cả các loại xe vận chuyển vật liệu, thu gom giải hạ, rác, chở cây… phải ra vào khu vực này trước hoặc sau giờ hành chính (sáng trước 7h30; chiều sau 17h).
Đây là lí do tại sao việc chuyển cây sứ lại được thực hiện vào lúc 17h30 (buổi chiều, chứ không phải ban đêm như một số báo đưa tin).
Ông Hải cũng cho rằng, việc một số bài báo đưa tin: Ngày 21/1/2016, Trung tâm đã đem cây sứ di sản “trăm năm tuổi” về cho/biếu một vị giám đốc sở trong tỉnh là hoàn toàn vô căn cứ và không chính xác!
Đại Đoàn Kết Online sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.