Về Cà Mau, chúng tôi được nghe đồn chuyện ở Trung tâm pháp y (TTPY) Cà Mau có thể “hô biến” kết quả giám định pháp y từ nặng thành nhẹ và ngược lại. Ở TTPY Cà Mau, ông Trần Việt Bắc, giám đốc Trung tâm vừa là giám định viên (GĐV) có dấu hiệu làm sai hàng loạt kết quả giám định.
Trong rất nhiều giấy giám định pháp y, ông Bắc ký tên
vừa là giám định viên, vừa làm Giám đốc trung tâm.
Về vấn đề này, Viện Pháp y quốc gia (PYQG) cũng như Sở Y tế Cà Mau có thành lập tổ công tác làm việc với TTPY thì trong 82 hồ sơ giám định được lưu trữ tại trung tâm, đoàn kiểm tra ngẫu nhiên 8 hồ sơ, trường hợp nào cũng có sai sót.
Cụ thể trường hợp anh Đăng Thành Ngọt, SN 1980, ở huyện Đầm Dơi bị gây thương tích ngày 19/6/2014 được TTPY tỉnh Cà Mau giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh chụp X-quang. Kết quả xác định anh Ngọt bị gãy mỏm khuỷu trái, đang xuyên đinh; tay trái hạn chế gấp-duỗi. Căn cứ vào Thông tư 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH, trường hợp anh Ngọt phải áp dụng mục 2 (cẳng tay và khớp khủy) tại mục 2.3.1. xếp tỷ lệ 11-15%. Thế nhưng, TTPY Cà Mau áp dụng mục 2.12 của thông tư trên với mức khung tỷ lệ 10%.
Với kết quả trên, đối tượng gây thương tích cho anh Ngọt được giảm hình phạt. Thế nhưng khi đưa vụ án ra xét xử, kiểm tra hồ sơ, ông Phạm Xuân Toàn, Phó Viện trưởng Viện PYQG nhận định: “TTPY Cà Mau vận dụng mục 2.12 là không phù hợp. Vì Thông tư 28 chưa có mục xếp tỷ lệ thương tật trên. Đúng ra, TTPY tỉnh phải chọn mục 2.9.1 là phù hợp". Đồng thời cho rằng ông Bắc có dấu hiệu làm sai lệch vụ án khi đưa ra kết quả giám định 10%.
Một trường hợp khác, tháng 7/2014, anh Trần Thái Học, SN 1981 ở huyện Cái Nước bị đánh thương tích ở mắt, được Công an huyện Cái Nước giới thiệu trưng cầu giám định tại TTPY Cà Mau. Ông Trần Việt Bắc giới thiệu anh Học khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. Kết quả, mắt phải của anh Học giảm thị lực còn 4/10, mắt trái 10/10. Ông Bắc đề nghị anh Học giám định lần 2 tại Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh. Kết quả, mắt phải của anh Học 2/10, mắt trái 6/10. Trước kết quả trái ngược nhau, ông Bắc đưa ra kết quả giám định tỷ lệ thương tật 0% (???).
Ngoài ra, nhiều hồ sơ kết quả giám định tại đây lại được “hô biến” nhẹ thành nặng. Ông Nguyễn Văn Thời, SN 1963 ở huyện U Minh tìm đến TTPY giám định thương tích ở mắt. Kết quả của Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Cà Mau xác định: mắt phải thị lực có kính 2/10, mắt trái 10/10. Kết luận, mắt phải bị tật khúc xạ, thị lực giảm. Theo quy định, giám định viên phải mời bác sĩ chuyên khoa hội chẩn, nhưng ông Bắc đưa ra tỷ lệ 17%.
Trường hợp của anh Trần Lê Anh Phương, ngày 13/4/2014, xảy ra xô xát với Lê Văn Hậu bị thương tích. Ngày 29/4/2014, Phương đến TTPY tỉnh Cà Mau xin giám định thương tật. Trung tâm giới thiệu Phương đến BVĐK Cà Mau chụp X-quang phổi, kết quả gãy cung sườn số 7, ít dịch góc sườn hoành phải. Chẳng hiểu sao, kết quả giám định pháp y ghi nhận 1 vết sẹo hình chữ L vùng người. Thế là ông Trần Việt Bắc “cho” thương tật 11%. Điều nghịch lý, trong biên bản giám định, một mình ông Bắc ký với chức danh là giám đốc vừa là giám định viên (GĐV).
Kết luận giám định pháp y là cơ sở cho các quan tố tụng xem xét xử lý đúng người, đúng tội nên phải chính xác và khoa học. Luật sư Võ Hồng Kiếm, Văn phòng luật sư Thành Hưng tại phường 5, quận 11, TP HCM nhận định: “Kết luận giám định pháp y hết sức quan trọng trong quá trình tố tụng. Nếu kết quả giám định không đúng thì sẽ dẫn đến tình trạng oan sai. Vì vậy, GĐV ký kết quả không đúng, tuỳ theo hành vi có thể xem xét trách nhiệm hình sự với các hành vi “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” hoặc “Lợi dụng quyền hạn và nghĩa vụ khi thi hành công vụ…”.
Sau khi xem xét 8 hồ sơ giám định tại TTPY Cà Mau, Viện PYQG nhận xét: Trình độ và kinh nghiệm GĐV chưa cao nên còn lúng túng trong việc vận dụng khung xếp tỷ lệ. Trước sai phạm của ông Trần Việt Bắc, Viện PYQG đề nghị giám đốc Sở Y tế phải có hình thức kỷ luật.