Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ cho phép mở rộng đối tượng và thời hạn thực hiện chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần hồi phục nền kinh tế.
Theo tờ trình, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin.
Theo đó, các khoản thu được gia hạn gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất như quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với việc gia hạn 3 sắc thuế, khoản thu nêu trên dự kiến tổng số thuế được gia hạn khoảng 36.000 tỷ đồng. Thời gian gia hạn đối với các kỳ tính thuế từ nay đến cuối năm 2020 ít nhất là được 1 tháng, nhiều nhất là được 2 tháng.
Thực hiện theo phương án này không làm giảm số thu ngân sách trong năm 2020. Tuy nhiên, việc dồn vào thời điểm cuối năm người nộp thuế phải nộp số thuế lớn sẽ dẫn đến khó thu, nếu không thu được sẽ thành nợ đọng gây rủi ro trong quản lý và điều hành thu ngân sách.
Nhìn lại nghị định chính sách hỗ trợ gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong thời gian qua cho thấy, hiệu quả không như ý. Tổng hợp số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo báo cáo của các cục Thuế đến ngày 22/9/2020, số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là 66.713 tỷ đồng.
Bản thân Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn thấp hơn dự kiến chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, dẫn đến không có nguồn thu và không có lợi nhuận nên nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) giảm hơn so với năm trước (số liệu dự kiến khi xây dựng chính sách khoảng 180.000 tỷ đồng).
Có thể nói, tác động của dịch Covid-19 lên cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn. Nhưng khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải là không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Trong khi đó, phải chịu áp lực để đảm bảo tiền lương, trả bảo hiểm xã hội và các chi phí khác cho người lao động, trả tiền lãi vay ngân hàng và nợ gốc, các chi phí đầu vào như điện, nước, nguyên liệu, thuê kho, nhà xưởng...Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần được hỗ trợ để sớm hồi phục.
PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động. Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng. Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ.